Con đường trở thành Di sản
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội bắt đầu từ thời kỳ từ tiền Thăng Long qua thời Đinh - Tiền Lê, phát triển mạnh dưới thời Lý, Trần, Lê và thành Hà Nội dưới triều Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc đồ sộ, được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Từ năm 2006, được sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Trung ương, Chính phủ, sự phối hợp hiệu quả của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam…), sự quyết tâm cao và cố gắng nỗ lực, hiệu quả của Thành phố Hà Nội, đặc biệt là sự tham gia rất nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm của các nhà khoa học trong nước và quốc tế (các chuyên gia Pháp, Úc, Nhật…), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được bảo vệ, xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa Thế giới. Hồ sơ được đăng ký từ tháng 9/2008 và chính thức đệ trình UNESCO từ tháng 1/2009, được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ thông qua cơ quan tư vấn IOCMOS, và đến nay đã được Ủy ban di sản thế giới (gồm 21 nước thành viên) công nhận là di sản văn hóa Thế giới (ngày 01/8/2010).
Việc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa Thế giới là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt, là sự tri ân công đức với các vị tổ tiên đã có công khai sáng, xây dựng và bồi đắp giá trị lịch sử, văn hóa của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến; là tài sản vô giá để lại cho muôn đời sau; cũng chính là tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội Thủ đô và đất nước.
Những giá trị tiêu biểu
Những giá trị nổi bật toàn cầu của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú.
Những di tích khai quật được trong lòng đất ở khu vực Trung tâm là một đặc sắc về quá trình giao lưu văn hóa lâu dài, là nơi tiếp nhận, chọn lọc tinh hoa văn hóa, nhiều học thuyết, tư tưởng của văn minh nhân loại, đặc biệt là Phật giáo, Nho giáo, thuyết phong thủy... Đây như một bộ sử nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội phản chiếu trình độ và bản sắc dân tộc của một trung tâm văn hóa lớn nhất và lâu đời nhất của đất nước.
Di sản khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản có liên hệ trực tiếp với nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Đây cũng là nơi ghi dấu sự nối tiếp truyền thống ông cha trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất nước nhà. Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục dài lâu của sự phát triển chính trị, văn hóa như Di sản khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.
Trên mặt đất của thành cổ Hà Nội còn có nhiều di tích quan trọng của Cấm thành Thăng Long thế kỷ XV và thành Hà Nội thế kỷ XIX như nền điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cửa Bắc, Kỳ Đài (Cột Cờ), một số kiến trúc quân sự của Pháp thế kỷ XIX và Đại bản doanh của quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến tranh chống xâm lược, thống nhất Tổ quốc.
Địa chỉ du lịch hấp dẫn
Di sản thế giới tại Việt Nam được xem là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao. Với những giá trị tiêu biểu, Hoàng thành Thăng Long đang được xem là một địa chỉ du lịch đặc biệt giữa lòng Thủ đô ngàn tuổi và là địa chỉ du lịch lớn của thế kỷ XXI.
Trong quá trình đổi mới, mở cửa, giao lưu hội nhập hiện nay, di sản văn hóa trở thành một nhân tố quan trọng, luôn có sức cuốn hút đặc biệt trong việc phát triển du lịch, đồng thời qua các hoạt động du lịch, di sản văn hóa được giới thiệu rộng rãi trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, việc phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long là điều hết sức cần thiết. GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới là thành quả không chỉ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà còn là sự tích lũy trí tuệ, công sức của nhân dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Chính người dân mới là chủ thể đích thực, lâu dài, đồng thời là đối tượng tham gia trực tiếp bảo vệ di sản. Do đó, hơn lúc nào hết, mỗi người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung hãy phát huy vai trò chủ thể của mình, cùng các cơ quan hữu quan bảo vệ và phát huy giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long một cách bền vững nhất.
Việc Hoàng thành Thăng Long được UNESCO tôn vinh không chỉ là sự công nhận của thế giới về một di sản văn hoá đặc biệt của Thủ đô, điều đó còn góp phần thu hút khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam và Hà Nội. Phát triển du lịch nhưng phải trên cơ sở bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa - đó chính là những lợi thế để Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Nguồn: Cinet