Đảo Hòn Khoai thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nằm cách đất liền 14,6km, còn có tên gọi khác là Hòn Giáng Tiên, Hòn Giáng Hương hay Hòn Độc Lập.
Hòn Khoai là một cụm đảo nhỏ gồm các đảo Hòn Khoai, Hòn Tương, Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi và Hòn Đá Lẻ, trong đó Hòn Khoai là đảo lớn nhất với diện tích 4,2km2. Đây là một trong những hòn đảo đẹp nhất cực Nam Tổ quốc.
Đảo Hòn Khoai nhìn từ xa (Nguồn: Internet) |
Thời Pháp thuộc, người Pháp đặt tên là đảo Poulob - Obi. Hòn Khoai là tên gọi dân gian của đảo. Tên gọi này được giải thích theo hai cách, trên đảo có nhiều khoai và đảo có hình dáng củ khoai.
Hòn Khoai là đảo đá, đồi và rừng còn gần như nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên hoang dã.
Đất ở trên đảo là thứ đất feralit màu đỏ vàng và vàng đỏ phát triển trên đá granit. Rừng nguyên sinh trên đảo đa dạng, phong phú với hơn 1.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật.
Thực vật ở Hòn Khoai khá phong phú với các loại cây rừng nhiệt đới và có cả các loại cây rừng ngập mặn, có giá trị kinh tế rất cao. Cây ăn trái có xoài, quýt, dừa... Cây làm thuốc có quyết rồng, khoai mài, ngũ gia bì, quế quan…Cây lấy gỗ có bằng lăng, chiêu liêu, dầu rái, muỗng, lim, trám mạo, trâm trắng…
Hệ thực vật trên đảo có khoảng 221 loài bậc cao thuộc 78 họ tạo nên một thảm thực vật phong phú, đa dạng. Đặc biệt trong hệ thực vật của đảo còn ghi nhận được 10 loài mới ở Việt Nam.
Hệ động vật trên đảo có 29 loài thuộc 18 họ, gồm bò sát 7 loài, chim 20 loài, thú 2 loài. Động vật rừng còn tồn tại một số loài có giá trị và có số lượng cá thể đáng chú ý là kỳ đà, rắn mai gầm, rắn ráo, trăn hoa, sóc bụng xám.
Đặc biệt loài bản địa của đảo như sóc bụng xám, kỳ đà, trăn hoa... đã và đang phát triển rất mạnh về số lượng. Có thể nói, ở bất kỳ nơi nào trên đảo cũng có thể gặp chúng.
Các loài chim bay giỏi thuộc họ chim ưng, cắt, chim én, nhạn cũng có nhiều.
Hòn Khoai có bãi biển rất nên thơ với rất nhiều đá cuội tròn như trứng ngỗng làm cho phong cảnh ở đây thật đẹp. Trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai có ngọn hải đăng do người Pháp xây dựng vào năm 1920. Ngọn hải đăng hình khối vuông mỗi cạnh dài 4m, cao 14,50m được xây bằng đá hộc và ximăng.
Hải đăng Hòn Khoai được xem là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Từ trên ngọn hải đăng, du khách có thể chiêm ngưỡng mũi đất tận cùng của Tổ quốc.
Hòn Khoai không những là danh lam thắng cảnh của tỉnh Cà Mau mà còn là di tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ. Tại đây, ngày 13/12/1940, người thầy giáo-chiến sỹ cách mạng Phan Ngọc Hiển đã chỉ huy nghĩa quân nổi dậy giết tên sếp đảo của thực dân Pháp, chiếm Hòn Khoai, ghi mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của quân và dân vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Hòn Khoai đang phát triển để trở thành khu du lịch sinh thái. Năm 2009, tỉnh Cà Mau đã ban hành quyết định quy hoạch khu du lịch sinh thái Hòn Khoai. Khu du lịch sinh thái này đang mời gọi các nhà đầu tư thực hiện các dự án như khu trung tâm dịch vụ du lịch, khu vui chơi giải trí, cắm trại, nghỉ dưỡng, khu thể thao, bãi tắm trên biển…
Với đặc điểm khí hậu mát mẻ, phong cảnh đẹp, có rừng, có biển, Hòn Khoai luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước./.
(TTXVN)