Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày quốc lễ trong tâm thức người Việt, từ rất lâu đã trở thành ngày giỗ trọng đại của cả dân tộc.
Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ ngày giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn - xã Hy Cương, Lâm Thao, Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Mẫu Âu Cơ.Hát Xoan, Di sản Văn hóa phi vật thể thế giới.
Và từ ngàn đời nay, Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng cũng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
Trải qua thời gian, cùng bao thăng trầm của lịch sử, Đền Hùng bị giặc giã, thiên tai tàn phá, nhưng nhân dân ta từ đời này sang đời khác vẫn giữ gìn, tôn tạo xây dựng để làm nơi thờ Đức Quốc Tổ. Vẫn còn đó cổ kính, uy linh các ngôi Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng và lăng mộ Vua Hùng... Đó là những di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào về cội nguồn dân tộc mà mỗi người dân mang trong mình dòng máu Lạc Hồng đều thấu hiểu hai tiếng “đồng bào” đầy ý nghĩa.
Thi giã bánh dày.Thi gói và nấu bánh chưng.Rước kiệu.
Ngay từ năm 1962, Bộ Văn hóa thông tin đã xếp hạng Đền Hùng là khu di tích đặc biệt của quốc gia. Ngày 6-1-2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô và nghi lễ tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng hằng năm. Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3 âm lịch đã chính thức trở thành ngày quốc lễ, ngày hội lớn quy tụ cả cộng đồng dân tộc khắp mọi miền. Và mới đây, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Nguồn : Báo ảnh đất mũi