Nhiều du khách ghé Quảng Ngãi ăn cơm nấu niêu đất với cá bống kho tiêu trong trả (nồi đất), ăn bánh xèo nhân tôm đúc khuôn đất cứ hít hà khen ngon để rồi tìm về làng gốm truyền thống Trung Sơn, Vĩnh An, xã Phổ Khánh (Đức Phổ) tham quan...
Làng gốm Trung Sơn và Vĩnh An nằm bên quốc lộ 1A, cách TP Quảng Ngãi hơn 50 km về hướng Nam với những ngôi nhà ngói san sát. Đi một quãng lại gặp một ngôi nhà có thợ thủ công đang nhào đất, chuốt hoặc phơi sản phẩm. Chiều xuống, từ những lò gốm đang nung màu khói lam tỏa lên như ôm ấp những mái nhà.
Ông Trương Minh Long (bìa trái) chuyển sản phẩm gốm lên xe đi tiêu thụ |
Tôi đưa tay cầm một niêu đất vừa mới chuốt tròn đều tăm tắp mà cảm nhận được sự tinh xảo của người thợ thủ công nơi đây. Đã ngoài 60 tuổi, ông Trương Minh Long cả đời theo đuổi nghề gốm, thấy có khách tham quan phấn khởi, kể: Làng gốm Trung Sơn, Vĩnh An có từ thời triều Nguyễn. Làng chỉ làm gốm mộc (những sản phẩm đều là đất sét nung chứ tuyệt nhiên không sử dụng men).
Nửa đầu thế kỷ trước, dù giao thông đường bộ chưa phát triển nhưng gốm Phổ Khánh có mặt hầu khắp Trung bộ nhờ vận chuyển bằng thương thuyền. Sau ngày miền Nam giải phóng, gốm Phổ Khánh độc tôn chiếm lĩnh thị trường phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi. Dạo đó về làng gốm thấy sản phẩm gốm chất đầy trong nhà, tràn ra ngoài sân và cả những lối đi. Khách từ các nơi đổ về mặc cả sản phẩm gốm nên khá rộn ràng.
Nhưng rồi khi Nhà nước khoán quỹ đất cho nông dân sản xuất, người dân sợ đào lấy đất làm gốm, làm ruộng đồng trũng sâu khó cấy cày gieo hạt nên nguồn vật liệu đất sét trở nên khan hiếm. Mặt khác, thị trường ngày càng đa dạng, người tiêu dùng hăm hở đến với những vật dụng bằng nhựa, inox... nên hàng gốm thô mộc ở Phổ Khánh tàn lụi dần…
Không sống được bằng nghề gốm, nhiều người thợ đành chuyển sang làm ruộng hay phiêu dạt vào các tỉnh thành phía Nam làm dân bá nghệ kiếm ăn. Luyến tiếc nghề truyền thống của cha ông, ông Long cùng một số người đến các xưởng gạch mua ít đất về làm đồ gốm vừa bán vừa tặng bà con trong vùng.
Và cuộc sống không đặt dấu chấm hết đối với những người muốn níu giữ nghề xưa. Sau thời bao cấp khó khăn rồi đến thời mở cửa, các nhà hàng, khách sạn mọc lên khắp nơi. Cánh đầu bếp sau khi sử dụng những vật dụng đắt tiền để làm bếp đã kịp nhận ra cá bống sông Trà, cá trê, cá chạch kho tiêu “đệ nhất ngon” phải kho trong nồi đất. Hạt cơm nấu trên bếp điện không thơm ngon bằng nấu trong niêu đất và cái món bánh xèo nhân tôm đúc bằng khuôn đất vẫn cứ ngon hơn.
Đó là chưa kể người khắp chốn cùng quê vẫn quen sắc thuốc bắc bằng cái siêu làm bằng đất. Thế là họ quay về làng gốm mộc Phổ Khánh tìm mua các sản phẩm gốm.
Trả đất phơi nắng trước khi nung |
Người làng gốm cố gắng làm nghề là để gìn giữ chút hương xưa, giữ nghiệp tổ, giờ thấy thị trường cần sản phẩm của mình lại miệt mài nhào đất, chuốt thành hình rồi phơi nắng, nung... Chị Mai Thị Hồng Chuyên ở thôn Trung Sơn nói: “Thấy làng nghề sống lại bà con mừng lắm nên cố gắng nhồi đất thật kỹ, tạo hình, chuốt ra sản phẩm cho thật đều và nung thật chín để sản phẩm hấp dẫn người tiêu dùng"…
Làng nghề bắt đầu hồi sinh. Bây giờ giá khuôn bánh xèo làm bằng đất 4.000 đồng/chiếc, trả đất, ấm đất 10.000 đồng/chiếc; niêu đất 3.000 đồng/chiếc. Một người thợ thủ công nếu làm một tháng khoảng 3.000 sản phẩm đủ để đưa vào nung một lò. Nung sau 24 giờ là mở lò mang sản phẩm đem bán, trừ chi phí thu được 2,5-3 triệu đồng. Tính ra ngày công khoảng 100.000 đồng không lớn nhưng thợ thủ công có thêm việc làm, nhất là lưu giữ được nghề xưa.
Thôn Trung Sơn và Vĩnh An thời suy tàn của nghề chỉ còn sáu hộ làm gốm. Nay làng nghề phục hồi dần nên đã có trên 30 hộ làm nghề.
Chị Chuyên khoe: "Gốm Trung Sơn, Vĩnh An bây giờ không chỉ bán buôn ở nội tỉnh mà thương lái các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Bình Định... cũng tìm đến mua. E rằng tổ nghề thương yêu nên thời bĩ cực qua rồi"...
(theo TTO)