Kênh xáng Xà No dài khoảng 40km, đã góp phần khai thác tiềm năng lúa gạo của cả một vùng đất hoang hóa miền Hậu Giang, đồng thời mang đến những giá trị vô cùng to lớn trong việc bảo đảm an ninh lương thực cũng như xuất khẩu gạo của cả nước.
Hai bên bờ TP. Vị Thanh.
Những nhà máy xay xát gạo nằm bên bờ kênh giúp tỉnh Hậu Giang phát triển tiềm năng xuất khẩu gạo.
Theo sử sách, vào cuối thế kỷ 19, để khai thác Nam Kỳ, người Pháp thấy cần thiết phải mở mang giao thông thủy tiến về phía tây của Nam Bộ. Từ năm 1866, họ đã dùng hai chiếc xáng vét lại rạch Bến Lức và sông Bảo Định (Mỹ Tho). Đến mùa khô năm 1901, kênh xáng Xà No chính thức được khởi công và tháng 7-1903 thì hoàn thành, rộng 60m, độ sâu từ 2,5 - 9m, bắt nguồn từ Sóc Xà No (“Srock Snor”, tỉnh Cần Thơ cũ) ăn thông vào sông Cái Tư (Hậu Giang - Kiên Giang), nối liền biển Tây với sông Hậu. Ngoài tiêu thoát nước cho khoảng 40.000ha thuộc miền Hậu Giang, kênh xáng Xà No còn phục vụ cho người dân đến khai hoang, sản xuất và sinh sống. Đây là trục kênh rất quan trọng cho việc hình thành các tụ điểm giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội và tạo nên huyết mạch giao thương lúa gạo. Theo số liệu năm 1899, Nam Kỳ xuất cảng được 500.000 tấn lúa gạo, từ khi có kênh xáng Xà No đã tăng lên 1,3 triệu tấn. Riêng Cần Thơ, mỗi năm xuất 116.000 tấn lúa gạo, đứng hạng nhất lúc bấy giờ.
Lưu lượng vận tải hàng hóa qua kênh Xà No rất lớn.
Thành phố Vị Thanh về đêm bên bờ kênh xáng Xà No.
TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Vai trò của kênh xáng Xà No trong hệ thống thủy lợi vùng bán đảo Cà Mau hết sức quan trọng. Hàng loạt cống kiểm soát mặn ven kênh Bạc Liêu - Cà Mau đã được xây dựng, không chỉ là công trình ngăn mặn cho hệ thống Quản Lộ - Phụng Hiệp mà còn hạ thấp mực nước vùng Cái Tư cuối kênh xáng Xà No, Chắc Băng, Cạnh Đền. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các con kênh, đặc biệt là kênh xáng Xà No và các kênh dọc phát huy tác dụng dẫn ngọt từ sông Hậu về. Do vậy, vị thế kênh xáng Xà No ngày càng khẳng định được vai trò là “đường thủy chiến lược”, được xem như “con đường lúa gạo” của cả miền.
Dưới cầu là những con thuyền đi lại trên kênh.
Kênh xáng Xà No hiện đã được Trung ương đưa vào danh mục tuyến đường thủy quốc gia TP. Hồ Chí Minh - Cà Mau. Việc giao thương theo đó cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Riêng tỉnh Hậu Giang, đặc biệt ở TP. Vị Thanh, tuyến bờ kè dài 2km được xây dựng làm tăng thêm vẻ đẹp cho hai bên bờ kênh, góp phần thúc đẩy văn hóa - du lịch ở những vùng dòng kênh chảy qua.
Nguồn : baoanhdatmui