Được thiên nhiên ưu đãi, Gia Lai có nhiều thắng cảnh đẹp tuyệt vời. Đó là những khu rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động thực vật đa dạng, phong phú, nhiều danh lam, thắng cảnh; những di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng.
Gia Lai gắn liền với nhiều địa danh Pleime, Cheo Reo, núi Hàm Rồng,khu du lịch Biển Hồ, du lịch thác Phú Cường, du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ, hồ Ialy, du lịch sinh thái đồi thông Ðăk Pơ, vườn quốc gia Chư Prong...
Được ví von như một viên ngọc bích giữa núi rừng Tây Nguyên, Biển Hồ hay còn gọi là Hồ Tơnưng (Ia Nueng) cách trung tâm thành phố Pleiku 6 km về hướng Bắc, gần quốc lộ 14. Biển Hồ là dấu tích một miệng núi lửa đã ngưng hoạt động cách đây hàng triệu năm, có diện tích mặt nước khoảng 250ha, độ sâu trung bình từ 20 - 40m. Hồ Ayun Hạ nằm trên địa bàn 2 huyện Phú Thiện và Chư Sê, cách TP Pleiku 70km về phía Tây. Hồ Ayun Hạ hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại để khởi công xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ vào đầu năm 1994 cung cấp nước tưới cho 13.500ha đất canh tác và mang lại nguồn lợi lớn từ thủy sản, đem đến cuộc sống ổn định, no đủ cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Hồ Ayun Hạ còn là nơi lý tưởng để tổ chức các hoạt động du lịch, vui chơi giải trí… khách tham quan thường đến đây tham gia vào các trò chơi thể thao dưới nước, du ngoạn quanh hồ. Đến với hồ Ayun Hạ, du khách sẽ được hòa mình vào khung cảnh thơ mộng, ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ và hít thở không khí trong lành.
Thiên nhiên cũng ban tặng cho nơi đây vẻ đẹp hiếm có của thác chín tầng nằm cách thành phố Pleiku 20 km là điểm dã ngoại lý tưởng. Dọc theo dòng thác là những vách đá ghồ ghề, phân cấp chín tầng cao thấp khác nhau, riêng 2 tầng cuối cùng độ cao khoảng 10-15m dựng đứng tạo nên dòng chảy mạnh, nước cuộn xoáy. Xung quanh thác là hệ sinh thái rừng còn nguyên sơ, góp phần tạo nên vẻ hoang dã và hùng vĩ của thác. Du khách cũng có thể khám phávẻ đẹp của đồi thông Hà Tam thuộc xã Hà Tam huyện Đăk Pơ. Đồi thông Hà Tam được ví như một phiên bản rừng thông Đà Lạt.
Không thể không nhắc đến Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trên diện tích 41.780ha thuộc các huyện KBang, huyện Mang Yang, huyện Đắc Đoa. Do đặc điểm đa dạng về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng nên vườn quốc gia Kon Ka Kinh có nguồn động, thực vật khá phong phú, đa dạng về thành phần và chủng loại. Theo thống kê, vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 687 loài thực vật và 428 loài động vật. Trong đó, nhiều loài động vật quý hiếm có giá trị bảo tồn và có tên trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. Đây là 1 trong 4 vườn di sản Asean tại Việt Nam được Bộ trưởng Môi trường các quốc gia Asean thông qua năm 2003. Ngoài ra, du khách còn được chinh phục đỉnh Hàm Rồng nằm cách thành phố Pleiku 11 km về hướng Nam. Từ trên đỉnh Hàm Rồng, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố Pleiku sầm uất, nhộn nhịp và những nông trường chè, cà phê, cao su, tiêu… bạt ngàn, trải dài theo các đồi dốc; khám phá được nhiều điều bất ngờ, thú vị bởi cảnh đẹp kỳ vĩ nơi đây. Gia Lai còn nổi tiếng với Thác Ialy xinh đẹp nằm trên dòng Sê San huyền thoại. Nay, chính trên dòng sông này đã được thay bằng cảnh đẹp của đập dâng, đập tràn xả lũ và một hồ nước rộng lớn trong xanh. Công trình nhà máy thủy điện Ialy có diện tích trên 20km2, nằm giáp ranh giữa 2 huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) và huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum). Đây là công trình trọng điểm Quốc gia, lớn thứ 2 sau thủy điện Hòa Bình.
Ngoài những danh lam thắng cảnh, Gia Lai tự hào với nền văn hoá cổ xưa mang đậm bản sắc độc đáo của đồng bào các dân tộc Jrai, Bahnar, thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, qua lễ hội truyền thống, qua y phục, nhạc cụ... được tỉnh đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh để phát triển kinh tế.
Đó là những sản phẩm mang đậm chất Tây Nguyên như: còng đồng hay những ngôi nhà sàn nhỏ bằng tre nứa, bầu đựng nước, gùi, tù và bằng sừng trâu, tranh gỗ phản ánh về đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, áo thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống… Gia Lai có những đặc sản đặc trưng như: hồ tiêu Chư Sê, chè Bàu Cạn, cà phê Thu Hà nổi tiếng ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, măng khô, chuối rừng khô, rượu ghè… là những sản phẩm mà du khách có thể mua về làm quà cho người thân và bạn bè.
Thêm vào đó, người dân bản địa nơi đây đang là chủ nhân của một kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại (không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên); Tạo nên thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa với nhiều lễ hội độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm gần đây để tạo đà cho sự phát triển của du lịch Gia Lai, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo hành lang thuận lợi thu hút các nhà đầu tư. Với sự nỗ lực của mình thì du lịch Gia Lai đã và đang tìm được hướng đi đúng đó là khai thác các chương trình mang nét đặc trưng của tỉnh với loại hình du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa. Ông Phan Xuân Vũ- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: “Về cơ sở vật chất, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp thì đến nay cơ sở vật chất của ngành đã có một bước tiến đáng kể. Gia Lai có tiềm năng du lịch rất lớn về phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Hy vọng thời gian tới, du lịch Gia Lai sẽ đạt được nhiều kết quả khả quan hơn nữa để đóng góp chung vào sự phát triển của tỉnh”.
Sự ra đời của Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai vào cuối năm 2009 đã chắp thêm đôi cánh cho những doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh. Cùng những chuyến xe ngược xuôi đưa du khách về với Gia Lai để được đắm mình trong không gian văn hóa cồng chiêng, về với cội nguồn qua các tour du lịch sinh thái, ngành du lịch Gia Lai đang hứa hẹn một tương lai tươi sáng.
Nguồn : VEN