Tọa lạc trên một ngọn đồi, cách trung tâm TP.Đà Lạt khoảng 3 km, cung Nam Phương hoàng hậu là điểm đến lý thú cho du khách trong và ngoài nước.
Dinh thự này do điền chủ xứ Gò Công - Nguyễn Hữu Hào xây vào năm 1932, khi ông đến Cầu Đất (xã Xuân Trường, TP.Đà Lạt) tậu đất lập đồn điền cà phê. Ban đầu dinh thự mang tên Nguyễn Hữu Hào, sau đó ông tặng cho con gái là Nam Phương nên được gọi là
cung Nam Phương hoàng hậu. Nam Phương hoàng hậu tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan (sinh năm 1914), là vợ của vua Bảo Đại, vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Hiện dinh thự này do Bảo tàng Lâm Đồng quản lý.
Cung Nam Phương hoàng hậu - Ảnh: Lâm Viên
|
Cung Nam Phương hoàng hậu gồm 2 tầng lầu, có diện tích khoảng 500 m2, chưa kể tầng hầm. Tổng thể của công trình kiến trúc theo phong cách tân cổ điển có hình khối làm chủ đạo, với các họa tiết trang trí vừa mang phong cách kiến trúc cổ điển châu Âu, vừa mang dáng dấp kiến trúc của phương Đông. Mỗi căn phòng đều có lò sưởi với kiểu cách khác nhau. Trong quá trình phục dựng cung Nam Phương và trưng bày hiện vật, các nhân viên Bảo tàng Lâm Đồng phát hiện ngay dưới chân cầu thang tầng hầm có một
đường hầm bí mật. Đường hầm này dẫn ra ngoài khuôn viên kéo dài khoảng 1 km đến Dinh I về hướng đông, một nhánh khác tiếp tục xuyên qua nhiều quả đồi để đến dinh II cách xa hơn 2 km về hướng tây. Nơi đây có một phòng trưng bày hình ảnh Nam Phương hoàng hậu từ tấm bé cho đến trước khi qua đời năm 1963, cùng hình ảnh ngày cưới của hoàng hậu và vua Bảo Đại và một số hình ảnh về 5 người con của họ, nhưng nhiều nhất là hình ảnh liên quan đến thái tử Bảo Long.
Đặc biệt hơn, khi đến đây du khách sẽ được “bật mí” về mối tình giữa nhà vua và hoàng hậu, được tận mắt xem những bức thư tình mà Nam Phương hoàng hậu viết cho vua Bảo Đại. Theo tư liệu của nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân, sau khi gặp nhau trên chuyến tàu thủy của hãng Messagerie Maritime từ Pháp về Việt Nam, Bảo Đại một lần nữa gặp lại nữ tú tài Nguyễn Hữu Thị Lan ở Đà Lạt. Từ đây, mối tình của họ đơm hoa kết trái bằng cuộc hôn nhân vào năm 1934. Khi trở thành con dâu của triều Nguyễn, Nam Phương hoàng hậu được người đời cảm phục bởi tính cách giản dị, hòa đồng và đức hạnh. Một trong những việc mà Nam Phương hoàng hậu đã cố gắng thực hiện, được người đời ghi nhận là mang lại hòa khí giữa các chức sắc đạo Thiên chúa với hoàng tộc nhà Nguyễn vốn theo đạo Phật.
Nguồn : Thanh niên