Đảo Hải Tặc tại Việt Nam, chỉ nghe thôi đã đủ sự tò mò thôi thúc chúng tôi theo tàu ngư phủ để khám phá...
Quần đảo Hải Tặc nằm trong vịnh Thái Lan, phía tây bắc là quần đảo Bà Lụa, phía đông là đảo Phú Quốc, thuộc địa bàn xã Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Thời Pháp, quần đảo này thuộc làng Tiên Hải, tỉnh Hà Tiên.
Quần đảo Hải Tặc có tổng diện tích đất nổi là 1.100 ha, bao gồm 16 hòn đảo nằm gần nhau cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý (27,5 km), cách đất liền bảy hải lý (18 km) và cách đảo Phú Quốc 16 hải lý (40 km), trong đó lớn nhất là đảo Hòn Đốc.
Sở dĩ quần đảo có tên là quần đảo Hải Tặc vì vào khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, quần đảo này từng là căn cứ của hải tặc. Xuất phát từ đây, các toán cướp biển tấn công và khống chế các tàu buôn lớn của Trung Quốc và các nước phương tây từ vịnh Hà Tiên - Rạch Giá ra đến vịnh Thái Lan. Hiện nay có khoảng 7 đảo có cư dân sinh sống, còn lại đều là đảo hoang.
Theo nhà sử học Trương Minh Đạt, do quần đảo có địa hình hiểm trở, lại nằm trên tuyến đường thông thương quan trọng nên một thời gian dài là nơi lý tưởng để cướp biển đồn trú, ẩn nấp, mai phục và tấn công các tàu buôn qua lại.
Thời điểm cực thịnh của các toán cướp này là khi chính quyền của Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại. Một thời gian dài, Hà Tiên không có bộ máy chính quyền cai quản. Tàu bè nước ngoài vẫn vào ra thương cảng ở đây, trong số đó, có cả tàu của cướp biển. Đến khi người Pháp chiếm đóng vùng Hà Tiên, vùng biển này vẫn có cướp hoành hành.
Trên đảo Hòn Tre vẫn còn nhiều người lưu giữ những câu chuyện về băng cướp biển Cánh buồm đen, tồn tại ở những năm đầu thế kỷ 20. Băng cướp này chủ yếu cướp của những tàu buôn nước ngoài. Trên cột buồm tàu của băng này thường treo cây chổi với thông điệp quét sạch tàu qua lại. Phạm vi hoạt động của băng cướp rất rộng, bao trùm một vùng biển lớn trong vịnh Thái Lan.
Nguồn ảnh: blog Đỗ Doãn Hoàng.
Năm 2010, ông Phan Thanh Quang, Chủ tịch hội đồng nhân dân xã Tiên Hải, kể rằng từ khi ông về đây (1985) đã nghe danh hải tặc Cánh buồm đen. Thậm chí, người ta còn nói trên đảo Hòn Tre còn có cựu thành viên của đảng cướp này từng sinh sống.
Bãi cát dài, phẳng sóng biển vỗ nhẹ nhàng
Có nguồn tin nói cướp biển chôn của cải tại một số địa điểm bí mật trên quần đảo. Năm 1983, có hai người nước ngoài, một người Mỹ và một người Anh đã đến quần đảo để đào kho báu. Trong hồ sơ của Công an tỉnh Kiên Giang còn ghi tóm tắt về vụ việc này, diễn ra vào một buổi chiều tháng 3 năm 1983.
Đảo ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ bí.
Hồ sơ viết: “quần chúng ở xã Tiên Hải (xã ở hải đảo), huyện Kiên Hải dùng tàu biển vây bắt hai người nước ngoài xâm nhập vào đảo, một người Anh (Richard Charles Knight), một người Mỹ (Frederick Kurt Graham) đi bằng bobo từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ, thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống dòm, nhiều bản đồ, hải đồ và dụng cụ khác”.
Họ khai rằng mình có một tấm bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu ở đây.
Tàu từ Hà Tiên ra đến quần đảo Hải Tặc mất 1h30 phút. Đa phần diện tích các đảo là cây rừng che phủ, nơi giáp với nước mặn là ghềnh đá trơ trọi và hoang sơ.
Điện ở đảo được cung cấp bằng máy phát điện từ 17 giờ - 23 giờ đêm. Lưu ý sạc điện thoại, pin máy ảnh, máy quay phim trong thời gian này.
Nguồn : MaskOnline