Xưa kia, để tôn vinh sự oai dũng của loài voi, triều Nguyễn tổ chức các trận chiến giữa voi và hổ tại đấu trường Hổ Quyền. Ngày nay, đấu trường Hổ Quyền là một di tích quý, độc đáo trong hệ thống quần thể di sản cố đô Huế.
Đấu trường độc đáo
Đấu trường Hổ Quyền tọa lạc ở thôn Trường Đá, phường Thủy Biều cách trung tâm TP Huế khoảng 3 km được xây dựng vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng. Đấu trường Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã, khi xây dựng lộ thiên, có cấu trúc theo hình vành khăn, hai vòng thành trong và ngoài được sử dụng gạch vồ. Vòng thành trong cao 5,8 m, vòng thành ngoài cao 4,75 m, dày trung bình 4,5 m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, chu vi tường ngoài là 140 m, đường kính lòng chảo là 44 m. Ngoài thành có cửa cao với hai cánh bằng gỗ, đế làm bằng phiến đá thanh, trên cửa có ghi chữ “Hổ Quyền”, voi được đưa vào sân đấu bằng cửa này.
Khán đài nơi vua triều Nguyễn ngồi quay mặt về hướng đông nam của đấu trường, được xây cao hơn so với các vị trí xung quanh. Xung quanh đấu trường Hổ Quyền được bố trí hoa văn là những đầu cá chép. Bên trái khán đài là hệ thống bậc đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và triều thần. Bên phải khán đài có một hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho các quan, binh lính và thân hào nhân sĩ.
Đối diện với khán đài nơi xưa kia vua ngồi là 5 chuồng nhốt hổ, sân đấu là thảm cỏ hình tròn. Sau khi voi chiến được dẫn vào đấu trường, hổ sẽ được thả ra để bắt đầu trận. Đa số, các con hổ tham gia tử chiến với voi đều bị cắt hết nanh vuốt. Sau chiến tranh, đấu trường Hổ Quyền hoang phế và bỏ không, trông rất nhếch nhác. Để hồi sinh di tích này, cuối năm 2019, đấu trường được Trung tâm Di tích cố đô Huế tiến hành trùng tu, gồm các hạng mục: hệ thống tường thành, bậc cấp, hệ thống ròng rọc gỗ mở cửa các chuồng hổ. Hiện nay, việc tu bổ đang ở trong giai đoạn nghiệm thu.
Kịch chiến giữa voi và hổ
Hổ Quyền là trường đấu xem voi giết hổ, vì theo quan điểm của các vua chúa Nguyễn, voi tượng trưng cho sức mạnh đế chế, cho lẽ phải, lẽ thiện. Sử sách chép, trước khi Hổ Quyền được xây dựng thì dưới thời các chúa Nguyễn, trò tiêu khiển này được tổ chức tại cồn Dã Viên trên sông Hương. Pierre Poivre, học giả người Pháp, từng chứng kiến một trận đấu voi hổ vô tiền khoáng hậu dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1750), đã mô tả trong cuốn hồi ký Souvenirs de Hue: “Cuộc đấu diễn ra ở cồn Dã Viên. Chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền để xem voi hổ đấu. Đây có lẽ là trận đấu khủng khiếp và đẫm máu nhất trong lịch sử. Các khán giả đã chứng kiến từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, khi mà 40 con voi đã tàn sát đến con hổ cuối cùng trong số 18 con được thả ra làm vật tế thần trong ngày hội…”.
Đến thời Minh Mạng, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh (mừng thọ vua 40 tuổi vào năm 1829), vua ngự thuyền rồng xem một trận thư hùng giữa voi và hổ ở bên bờ bắc sông Hương. Trong khi giao đấu, chúa sơn lâm bất ngờ bứt được dây trói, nhảy xuống sông, lao về phía thuyền rồng. Quan quân vệ binh hốt hoảng, mặt cắt không còn hột máu. Vua Minh Mạng lúc đó không có vũ khí trong tay, liền vớ vội cây sào chống trả và đẩy lùi con thú dữ. Sau trận đấu hổ thất kinh đó, nhà vua mới xuống chiếu xây dựng Hổ Quyền vào năm sau (1830).
Dưới triều Nguyễn, những trận tử chiến giữa voi và hổ thông thường mỗi năm tổ chức một lần. Năm 1904, dưới thời Thành Thái, nhà vua cho tổ chức một trận đấu. Hôm đó, một con voi cái hiên ngang đi vào trường đấu, con voi cất tiếng rống to. Nhìn thần thái con vật, nhà vua buông lời: “Con voi này can đảm lắm”. Trong trận đấu, con cọp lớn dữ tợn nhảy lên tát mạnh vào đầu voi, con vật lắc mạnh nhưng con hổ vẫn cố sức bám chặt hòng cắn xé giết chết địch thủ. Trong cơn giận dữ, con chiến tượng đã dùng cả uy mãnh ngàn cân của mình húc thẳng đầu vào thành Hổ Quyền, ép mạnh con cọp vào đó. Lúc voi ngẩng đầu lên, con dã thú rơi phịch xuống đất. Nó đã bị chà nát. Theo sử sách, đó là trận đấu cuối cùng của dã thú diễn ra tại Hổ Quyền.
Tổng hợp từ VNExpress, Báo Đất Việt