Cùng uống chung dòng nước sông Hồng, cùng được bồi đắp bởi một nền văn hoá là cốt lõi sâu xa nhất của chương trình du lịch cội nguồn 3 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Du lịch Yên Bái không đậm chất huyền diệu linh thiêng vùng đất Tổ, cũng không có cái kỳ vĩ nơi cầu Mây thác Bạc - Sa Pa nhưng đó là một vẻ đẹp hoang sơ, lay động lòng người.
Nói đến Yên Bái, người ta nghĩ ngay đến Thác Bà. Ngày hội Đền Hùng nhắc người Yên Bái tự hào về đền Thác Bà toạ lạc trên núi Hoàng Thi vút cao 370 bậc giữa một vùng trời nước. Tương truyền từ đời các vua Hùng đã chọn cử các công chúa xinh đẹp nết na nhất đi trông coi cai quản các cửa sông, cửa rừng, giúp dân cách làm ăn sinh sống. Công chúa Minh Đạt được cắt đặt lên Yên Bái. Bà đã sống trọn đời trinh bạch, khi mất đã hiển linh, phù hộ mọi nhà bình yên, no đủ. Minh Phú, Yên Bình, những tên làng, tên đất còn truyền đến đời nay.
Từ trên đền phóng tầm mắt nhìn ra, hồ Thác Bà giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Đi giữa mênh mang biển hồ, du khách được chiêm ngưỡng những phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, được tận hưởng không khí trong lành giữa làn gió mơn man mạn thuyền sóng vỗ.
Sau những tháng năm nhọc nhằn mưu sinh nơi thị thành ngột ngạt, nếu muốn tìm về cõi hoang sơ, để thiên nhiên gột rửa bụi trần, bạn có thể cắm trại nghỉ ngơi thư giãn trên những đảo cây xanh mát và thưởng thức hương vị cá Vền đặc sản Thác Bà. Từ đền Thác Bà, sau hơn một tiếng đi tàu, bạn sẽ thấy xa xa lẫn trong nước là Thủy Tiên sơn động.
Thành phố Yên Bái và những vùng phụ cận, dọc theo hai bờ tả hữu sông Hồng có nhiều danh thắng và di tích. Khu di tích mộ Nguyễn Thái Học đặt tại công viên Yên Hoà. Mặt hồ thanh thản và bình lặng vinh danh một con người dù không thành công nhưng đã thành nhân, dù cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị dìm trong biển máu nhưng đã để lại tiếng vang khắp cõi Đông Dương. Có một ngày hơn 70 năm trước, dòng Hồng Hà từng ngời lên sắc đỏ. Lãnh tụ Nguyễn Thái Học ung dung bước lên đoạn đầu đài với niềm tin mãnh liệt: chết vì Tổ quốc chết vinh quang.
Tiếp theo hành trình, du khách nương theo câu hát mời gọi về Mường Lò - miền Tây rực rỡ sắc màu của Yên Bái:
Về quê em trinh trắng mùa ban,
Về quê em nồng nàn hương nếp.
Về với Mường Lò, du khách được hoà mình vào thiên nhiên, tận hưởng phong cảnh hoang sơ khu du lịch sinh thái Suối Giàng, thưởng thức hương vị chè Shan Tuyết được các cô gái Thái hái từ thân cây trăm năm cổ thụ. Mọc ở độ cao gần 1.400 mét, khí hậu và đặc điểm địa hình đã tạo nên hương vị đặc biệt của chè Suối Giàng- Văn Chấn.
Những cây chè cổ thụ cao tới 3 mét, thân cây to có đường kính tới 1 mét, tuổi thọ 300 năm có lẻ. Những búp chè to, xanh, dầy dặn càng đậm đà hương vị vùng cao. Thưởng thức chén trà nóng đặc sản của đồng bào vùng cao làm ấm lòng du khách trong tiết trời mát lạnh Suối Giàng. Đó cũng là một phần trong các tuor du lịch cộng đồng để bạn được "ba cùng" với đồng bào, hoà mình vào sinh hoạt dân gian truyền thống, giàu bản sắc, sự hoà quện của quá khứ - hiện tại - tương lai, của đất trời và của lòng người Yên Bái mộc mạc thuỷ chung.
Nghĩa Lộ - Thị xã miền Tây Yên Bái nhỏ bé giữa cánh đồng Mường Lò bao la. Mảnh đất rộng chưa đầy 3.000 ha này là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em với dân số trên 27 nghìn người, trong đó dân tộc Thái chiếm tới 44%. Tại đây, du khách sẽ được đến thắp hương tưởng niệm, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan Căng và Đồn Nghĩa Lộ - nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu. Cũng ở mảnh đất này, du khách còn được tắm mình trong nước nóng bản Hốc, bản Bon và thưởng thức những đặc sản và thứ rượu nấu từ gạo ngon Mường Lò, để rồi tay trong tay, nối bước vào vòng xòe bất tận cùng người dân địa phương.
Đến với Mù Cang Chải, du khách sẽ cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hóa, sự ấm áp của tình người. Mù Cang Chải có 700ha ruộng bậc thang (trong đó hơn 47% tập trung ở 3 xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình). Đó là sản phẩm hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống của một tộc người. Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích danh thắng cấp quốc gia.
Yên Bái - nơi cửa ngõ miền Tây Bắc hoang sơ cũng là quê hương của sắc màu ngọc quý. Đất ngọc Lục Yên với tranh đá quý nổi tiếng khắp trong nước và quốc tế. Tuỳ theo chi tiết trên tranh mà người thợ phải gia công đá theo các kích cỡ bột hạt khác nhau. Một đặc trưng nổi bật của tranh đá là được sản xuất hoàn toàn thủ công. Tay nghề điêu luyện của những người thợ và sắc màu của đá thiên nhiên khiến tranh đá quý Yên Bái có thế mạnh vượt trội so với các dòng tranh khác trên thị trường.
Thành phố Yên Bái còn một đặc sản nổi tiếng là tửu lá dân tộc. Nếu chưa vào các hầm rượu dân tộc, được thực mục sở thị cách ngâm ủ gia truyền những dược thảo tinh tuý nhất của núi rừng Tây Bắc thì hình như bạn chưa lên Yên Bái. Đưa men lá ra thị thành làm rượu, để tửu lá dân tộc trở thành thương hiệu của du lịch Yên Bái là nhờ công sức của 2 chị em người dân tộc Tày.
Yên Bái, vẻ đẹp tiềm ẩn không chỉ trong tiềm năng thiên nhiên hoang sơ đợi chờ khai thác. Yên Bái còn tiềm ẩn trong những con người bình dị, trong khát vọng vươn lên làm giàu cho mình và làm đẹp cho quê hương. Từ chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh, Yên Bái đã và đang hoà vào hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng để cửa ngõ Tây Bắc không lỡ chuyến tàu thời đại./.
Nguồn : website Yên Bái