(Dân Việt) Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng không chỉ thu hút du khách ở khung cảnh hang động kỳ vĩ mà còn góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương.
Hang động nguyên thủy kỳ vĩ
Từ thành phố Thái Nguyên, theo quốc lộ 1B (Thái Nguyên - Lạng Sơn) khoảng 45km sẽ đến với huyện Võ Nhai nơi có hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, một trong những danh thắng đẹp nổi tiếng.
Chuyện xưa kể rằng, trên núi có đôi chim phượng hoàng, ngày ngày chim bố đi kiếm mồi về để chim mẹ ấp trứng. Nhưng một ngày kia chim bố mải vui đi theo đàn chim từ nơi khác đến mà quên đường về. Đến khi nhận ra, chim bố quay trở lại thì chim mẹ đã vì chờ đợi buồn phiền mà hóa đá. Quá ân hận chim bố nằm trên ngọn núi đối diện chờ mong chim mẹ trở về trạng thái bình thường, nhưng cuối cùng cũng hóa thành đá. Từ đó núi có tên Phượng Hoàng.
Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng. Ảnh: Hoa Anh.
Để leo lên được tới cửa hang Phượng Hoàng, phải trải qua một chặng đường rải đầy đá mèo với độ cao khoảng 500m. Phượng Hoàng là một hang động rộng và có vẻ đẹp kỳ lạ. Từ cửa hang có thể bao quát hết quang cảnh cả vùng đất rộng lớn. Hai vòm cửa hang rộng và cao hàng chục mét. Bước vào trong hang, ánh sáng từ hai cửa rọi vào làm khung cảnh càng thêm lung linh, huyền ảo. Hang gồm có ba tầng, tầng thượng là Hang Dơi, tầng giữa gọi là hang Sáng, tầng cuối là Hang Tối. Hang Sáng là hang rộng nhất, được ánh sáng từ của hang chiếu vào làm các khối nhũ đá trở nên kỳ vĩ. Từ trên đỉnh hang, vách hang không biết bao nhiêu nhũ đá được mẹ thiên nhiên tạc thành những khối nhũ đẹp tuyệt. Du khách cứ thế tưởng tượng ra nào là hình ảnh mẹ bồng con, nào là chim phượng hoàng cất cánh, hổ phục, voi chầu, kỳ lân….
Suối Mỏ Gà. Ảnh: Hoa Anh.
Hang Phượng hoàng không chỉ thu hút du khách ở khung cảnh hùng vĩ mà ngay dưới chân hang cách khoảng 100m du khách sẽ cảm nhận được không khí mát rượt từ suối Mỏ Gà chảy ra từ trong hang. Nước suối trong vắt, ngay cửa hang chảy ra tạo thành một thác nước nhỏ tung bọt trắng xóa.
Đánh thức tiềm năng du lịch địa phương
Khu du lịch hang Phượng Hoàng đã được công nhận là di tích lịch sử và thắng cảnh từ năm 1994. Thời gian trước khi được đầu tư có rất ít khách du lịch, hoạt động kinh doanh của dân cư thưa thớt. Các nhà đầu tư đã đến khảo sát nhưng chưa nhìn ra tiềm năng nên từ bỏ. Từ năm 2015 UBND tỉnh Thái Nguyên có chủ trương chấp nhận cho Công ty Hanh Hạnh đầu tư thì chính quyền huyện và xã đã tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp đầu tư phát triển khu du lịch.
Hang Phượng Hoàng thu hút khách du lịch. Ảnh: Hoa Anh.
Theo Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Hoàng Minh Hiền: “Tiềm năng du lịch của Võ Nhai còn rất lớn, trong đó tiềm năng lớn nhất Khu du lịch sinh thái Phượng Hoàng. Bởi ngoài tính chất là hang động nguyên thủy, hang có vị trí gần trục giao thông Quốc lộ 1B kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang là những địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.Khi được kết nối, điểm du lịch này sẽ là một trong những điểm du lịch thuận lợi, thu hút du khách. Như vậy, phát triển được khu du lịch này, sẽ tăng nguồn thu cho địa phương, giải quyết việc làm cho lao động và tạo ra điểm nhấn cho du lịch địa phương. Có thể nói, Khu du lịch hang Phượng Hoàng được ví như nàng hoa hậu ngủ say vừa được đánh thức”.
Chủ tịch UBND xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai cho biết: “Chúng tôi đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giải phóng mặt bằng, tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy tiến độ đầu tư. Đến nay, doanh nghiệp đã xây dựng cơ sở hạ tầng theo đúng tiến độ kế hoạch và bắt đầu đón khách tham quan từ 1/6. Khi khu du lịch được khai thác đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân và góp phần hợp tác giao lưu văn hóa khi người dân được tiếp xúc với du khách các vùng miền trong cả nước”.
Thực tế, Khu du lịch Phượng Hoàng đi vào hoạt động đã đem lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương. Anh Phạm Anh Tuấn, xóm Phượng Hoàng, xã Phú Thượng: “Khu du lịch đã tạo điều kiện cho người dân chúng tôi có việc làm mới (dịch vụ du lịch) cho thu nhập gấp vài lần so với làm nông thuần túy. Góp phần tiêu thụ đặc sản địa phương như măng rừng, ổi, cơm lam, rau ngót rừng, na, dưa, dứa… theo mùa vụ. Người dân rất ủng hộ dự án khu du lịch và muốn dự án phát triển lâu dài bền vững".