Được hình thành từ khoảng thế kỷ thứ 10, Động Vái Giời là hang động tự nhiên có niên đại lâu vào bậc nhất của khu vực. Như thường thấy ở nền văn minh lúa nước, cái nhìn của con người về thiên nhiên luôn gắn liền với các câu truyện tâm linh và sức mạnh siêu nhiên. Cùng với trí tưởng tượng phong phú, người dân nơi đây cho rằng không gian trong động chia thành ba tầng tượng trưng cho ba cõi: Thiên Đường, Trần Gian và Địa Ngục.
Bước qua cửa hang động chính là tầng “Trần gian”. Nơi đây ngập tràn những dải măng nhũ đá nhẵn mịn, xếp bằng tựa hồ như cuộc sống đời thường bình dị, quen thuộc của con người.
Tiếp tục bước theo các bậc đá đi xuống, du khách sẽ nhìn thấy khối nhũ đá sừng sững hai bên đường – được ví như chú chó ngao canh giữ cổng Địa Ngục. Từ đây, “tầng Địa Ngục” cũng dần hiện ra với “cây cầu Nại Hà”, “ngai Diêm Vương” cùng với “lưỡi đao Tử thần” và “khối Tam sinh thạch”, hay “vạc dầu biển lửa”… thêm vào đó là sự lạnh lẽo kỳ lạ và bóng tối âm u huyễn hoặc bao trùm, nơi đây như tái hiện sống động khung cảnh của thế giới dưới lòng đất.
Vượt qua dòng thác để gột sạch bụi trần, một chiếc cầu thang sắt hẹp sẽ đưa du khách lên đến tầng “Thiên Đường”. Tại đây, ta bắt gặp hình ảnh Tiên ông bên cuốn sổ sinh tử, phục dưới chân là khối nhũ đá được ví như Voi chầu hổ phục. Du khách sẽ ngạc nhiên trước sự tuyệt diệu của tạo hóa khi khéo léo làm nên những dải mây uốn lượn mềm mại, bầu trời lấp lánh ánh sao hay bức tượng đá hình Voi phục. Tầng Thiên Đường được coi là cõi cực lạc linh thiêng nơi có ngai thờ Phật tôn nghiêm. Khi đến đây, đừng quên cúi đầu chắp tay, thành tâm cầu nguyện những điều may mắn đến cho bản thân và gia đình. Đặc biệt hơn nữa, ở tầng Thiên Đường có một cổng trời thông ra ngoài, nơi có tầm nhìn bao quát có thể quan sát toàn bộ phong cảnh thung lũng tuyệt đẹp phía dưới.
Với diện tích rộng đến 5000m2 cùng với lịch sử hình thành từ lâu đời, Động Vái Giời không chỉ có giá trị về mặt cảnh quan hay địa chất địa mạo mà còn là vùng đất linh thiêng trong thế giới tâm linh của người dân địa phương. Tương truyền rằng ở nơi đây khi xưa, người dân Hoa Lư đã lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, quốc thái dân an. Nơi đây được coi là nơi giao thoa của trời đất, âm dương hòa hợp.