Khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 là mùa lúa chín, lúc này toàn bộ Mù Cang Chải sẽ vàng rực một màu lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây. Trước khoảng thời gian này thì lúa hơi xanh, sau khoảng này thì gần như đã gặt hết.
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao khoảng 1.000 m so với mặt biển, cách Hà Nội khoảng 300 km. Muốn đến được Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ – là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc.
Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam vượt qua đỉnh núi Khau Phạ, ngọn núi cao nhất vùng Mù Cang Chải. Đèo Khau Phạ nằm giữa một vùng cao nguyên được bao quanh bởi những dãy núi điệp trùng. Đó là một cung đường đèo quanh co giữa những cánh rừng già nguyên sơ và những thửa ruộng bậc thang nhấp nhô.
Mâm xôi vàng là tên gọi mà dân yêu thích du lịch đặt cho một địa điểm chụp ảnh rất đẹp ở xã La Pán Tẩn. Ở đây hôm nay thành một điểm đến quá đông đúc và nhộn nhịp. Người ta còn trồng hoa trên đường xuống Mâm xôi vàng để kinh doanh bán vé cho du khách chụp hình.
Chế Cu nha là một xã của huyện Mù Cang Chải, nằm cách trung tâm huyện khoảng 7km về hướng Hà Nội. Do đường khó đi nên ở Chế Cu Nha vắng bóng khách du lịch, tha hồ khám phá những góc rất đẹp và yên bình của xã vùng cao này. Chuyến này mình không được đến Chế Cu nha nên hơi buồn, nhớ chuyến đi trước đây 6 năm được lang thang ở Chế Cu Nha.
Nếp Tú Lệ là một sản vật rất nổi tiếng từ xa xưa, nó được cấy trồng từ cánh đồng Mường Lò thuộc tỉnh Yên Bái.
Truyền thuyết kể rằng, thuở xa xưa, Ngọc Hoàng sai các nàng tiên mang giống nếp xuống trần gian, chọn đất mà gieo trồng cho dân. Các nàng tiên đi khắp vùng Tây Bắc, đến núi Khau Pạ, thấy một thung lũng bằng phẳng, vừa rộng rãi, vừa đẹp đẽ, cây cỏ tốt tươi, các nàng tiên bèn hạ cánh, lấy vùng đất của bản Pha bây giờ làm nơi gieo trồng những hạt nếp giống mang từ trên trời xuống. Mấy tháng sau, nếp trổ bông, chín vàng ươm, thổi thành xôi ăn rất ngon, hương thơm ngào ngạt. Thế là các nàng tiên quyết định giao lại cho những người dân Thái ở đây giống nếp quý hiếm này. Từ bản Pha, đời này qua đời khác, người dân bản địa tiếp tục gieo trồng loại nếp đó, lan rộng ra cả vùng Tú Lệ. Người ta quen gọi giống nếp đó là nếp Tú Lệ.
Qui trình làm cốm rất công phu để cốm giữ nguyên được hương vị đậm đà, thơm dịu đầy sức quyến rũ. Khi lúa khum ngọn, hãy còn nguyên sữa thì cũng là lúc gặt đem về làm cốm. Lúa để làm cốm không được vò hay đập mà phải tuốt, sàng bỏ rơm và những hạt thóc lép, đem đãi qua nước rồi cho vào chảo rang. Bếp lò để rang cốm dùng củi. Chảo rang cốm thường bằng gang đúc, có như vậy từng hạt cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon. Cốm được rang trong lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều. Thóc rang xong, người làm cốm đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã. Thóc được giã đều và vừa tay khi thấy có trấu thì xúc ra sảy bỏ trấu rồi lại giã tiếp.
Bài và ảnh : Hoài Vân