Trong tour du lịch vào hè, du khách có thể về Thất Sơn (An Giang) để viếng thăm những thắng cảnh, di tích rất độc đáo của miền đất biên cương phía Tây Nam tổ quốc. Thất Sơn cách TP.HCM 260km, cách thành phố Cần Thơ 115km.
Từ thị trấn Tri Tôn, du khách có thể đi về phía tây núi Dài để viếng thăm di tích, thắng cảnh Ô Tà Sóc thuộc ấp An Ninh, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (An Giang). Dọc con đường nhựa nhỏ về chiến trường xưa, hai bên là những rừng trúc hoang sơ, hàng hàng lớp lớp. Loáng thoáng, ẩn hiện vài bóng nhà của bà con người dân tộc Khmer trong vườn cây sầm uất.
Con đường tầm vông đẹp như tranh – Ảnh: Đỗ Phu.
Ô Tà Sóc có nghĩa là suối Ông Sóc, đây là một vùng rừng núi hoang dã nằm trên ngọn Sà Lon thuộc núi Dài (Ngoạ Long Sơn), trong hệ thống dải Thất Sơn. Núi Dài có chiều dài 8.000m, cao 580m. Sau khi xả hơi, thư giãn dưới chân núi Sà Lon, du khách có thể đi lần theo những bậc đá quanh co, khúc khuỷu để xâm nhập, khám phá Ô Tà Sóc. Cảnh vật hai bên đường hoang vu, thơ mộng. Du khách sẽ gặp những lạch nhỏ nước trong vắt chảy róc rách len qua muôn ngàn phiến đá thiên hình vạn trạng. Xen giữa đá núi, cây rừng hoang dại là những cây xoài, điều, mít, chuối xanh mướt lạ kỳ. Ở rừng Ô Tà Sóc có rất nhiều chim. Ta hay gặp chìa vôi lửa nhảy nhót, líu lo trên những “vồ” đá cheo leo. Chim sâu ríu rít trong những tán trâm rừng chín mọng. Thỉnh thoảng du khách còn được nghe tiếng chim “bắt cô trói cột” đồng vọng, xa xăm giữa núi rừng hoang vắng.
Khung cảnh giống y hệt mấy bộ phim “cổ trang” – Ảnh: LeGiang
Thời chiến tranh, từ năm 1962 đến năm 1967, căn cứ của tỉnh uỷ An Giang đóng ở những hang động của Ô Tà Sóc. Điện Trời Gầm là nơi chỉ huy. Các cơ quan, đoàn thể đóng rải rác trong một thệ thống hang động có đường mòn nối liền nhau từ Bụng Ông Địa đến Ô Vàng, vồ Út Mươi, có bán kính gần 3km. Các hang động ở Ô Tà Sóc rất kiên cố, chứa được nhiều người. Xâm nhập vào điện Trời Gầm, hang Phụ Nữ, hang Quân Y, hang Hậu Cần… du khách được chứng kiến sự kỳ vĩ của thiên nhiên, những khối đá granit khổng lồ chồng chất, ăn thông nhau như một mê cung kỳ bí! Đến với đồi Ma Thiên Lãnh huyền thoại, du khách sẽ được nghe câu chuyện thật cảm động về những chiến sĩ đã hy sinh trong hang đá. Đồi cao chừng 80m, nằm cách căn cứ Ô Tà Sóc khoảng 1.000m. Đây là đồi đá chỉ có một con đường từ phía tây lên.
Không gian bình dị – Ảnh: Văn Thái
Con đường tầm vông ấn tượng
Trên đồi Ma Thiên Lãnh, rải rác có nhiều cổ thụ như bằng lăng, sao, dầu, vông rừng, sung núi… và rất nhiều cây họ dây leo chằng chịt bám, rủ vào đá núi. Về Ô Tà Sóc – Ma Thiên Lãnh thăm chiến trường xưa, khám phá những hang động, dạo chơi và tìm hiểu cuộc sống của bà con Khmer sẽ cho bạn nhiều ấn tượng khó quên.
Bên cạnh căn cứ Ô Tà Sóc còn có một địa điểm hấp dẫn thu hút du khách không kém đó chính là hồ Ô Tà Sóc. Hồ Ô Tà Sóc đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2016 với mục đích phục vụ nông nghiệp cho những người dân canh tác ở đây.
Hồ Ô Tà Sóc
Lòng hồ nằm ở giữa khe núi vì vậy mặt nước ở đây rất đẹp nhờ những làn gió thổi nước thành gợn sóng nhỏ. Nước ở đây cực kỳ sạch và mát vì nước chảy từ những khe đá trên núi xuống cực kỳ tự nhiên. Với không khí mát mẻ, cùng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ thì hồ Ô Tà Sóc còn là địa điểm cuốn hút giới trẻ Tri Tôn, tìm đến để hóng gió, chụp ảnh, cắm trại vào mỗi buổi chiều mát.
Người dân đánh bắt cá trên hồ
Cách hồ không xa là bến xoài tấp nập người mua bán, vận chuyển nông sản, đặc biệt là xoài núi thơm ngọt dịu với số lượng lên đến hàng tấn khi vào mùa rộ.
Đã cất công đến Ô Tà Sóc thì ngoài việc check-in, tham quan bạn cũng đừng bỏ qua món thốt nốt sữa ngon nức tiếng ở đây nhé. Để thưởng thức món này, bạn chỉ cần đi ra cổng khu căn cứ Ô Tà Sóc tầm 200m sẽ nhìn thấy quán.
Thốt nốt sữa
Thốt nốt sữa là một loại đồ uống mới dựa trên món cũ là nước thốt nốt – đặc sản của dân Tri Tôn. Một ly bao gồm nước thốt nốt đông lạnh sền sệt như đá bào, thịt trái thốt nốt tươi, sữa bò cùng đậu phộng rang thơm giòn. Sau một chuyến tham quan, chụp choẹt làm một ly thốt nốt sữa để giải khát thì không thể chuẩn hơn được nữa, giá cho một ly lại vô cùng rẻ.
Dọc đường vào là những hộ gia đình chuyên làm nghề uốn tầm vông, một nguồn nguyên liệu dồi dào của nơi đây. Hãy ghé lại, trò chuyện, quan sát để hiểu hơn về một nghề truyền thống độc đáo của vùng quê này nhé.
Cảnh quan yên bình, con người nồng hậu, cùng với quá khứ hào hùng, nơi đây hứa hẹn là điểm du lịch, dã ngoại cuối tuần dành cho những ai thích thiên nhiên hoang sơ, cảnh quan non nước hữu tình.
Nguồn : SGTT