Phiên chợ chỉ diễn ra từ khoảng hơn 4 giờ sáng đến tầm 8 giờ mỗi ngày. Chợ chỉ toàn phụ nữ. Và lạ hơn nữa, cả người mua lẫn người bán không hề so đo, mặc cả, kì kèo với nhau từng đồng bạc. Chợ tan, ai cũng hồ hởi. Và cũng chưa bao giờ người bán phải mang hàng về lại.
Chợ chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã tồn tại như thế suốt mấy trăm năm nay. Chợ chiếu Bàn Thạch giờ đã trở thành điểm du lịch quen thuộc với du khách đến Quảng Nam.
Phiên chợ sớm nhất Quảng Nam
5 giờ sáng, khi tiết trời còn tê tái lạnh, mặt người còn chưa tỏ, từ những nẻo đường Cẩm Kim, Duy Vinh, Duy Hải, Duy Nghĩa, những người phụ nữ ở các làng quê đã còng lưng đạp xe chất chiếu, hay lặc lè quang gánh mang chiếu về chợ Bàn Thạch. Trên bến đò sát chợ, những chiếc ghe chở những mẹ, những chị vác chiếu trên vai cũng cập bến. Khoảng sân vuông trước chợ Bàn Thạch chốc lát đã ngập tràn sắc đỏ thắm của những đôi chiếu cói hoa văn sặc sỡ. Phiên chợ chiếu bắt đầu một ngày nhộn nhịp tấp nập kẻ bán người mua.
Điều lạ hơn cả là hầu hết những người tham gia phiên chợ đều đứng để mua, bán chứ không có một chỗ ngồi trong những quầy hàng như những phiên chợ các nơi khác. Chị Đỗ Thị Hà (30 tuổi, trú thôn 4, Duy Hải) lý giải: “Muốn bán được chiếu thì phải mang sản phẩm đi chào bán quanh chợ chứ. Tui làm nghề dệt chiếu 20 năm nay. Sáng nào tui cũng đến chợ để bán những đôi chiếu mình dệt được hôm trước. Và cũng chưa khi nào tôi ngồi một chỗ chờ người đến mua cả. Cứ đi loanh quanh mời người mua xem chiếu. Người mua chiếu cũng vậy, họ cũng chạy loanh quanh chợ để tìm người bán”.
Mỗi ngày có khoảng 5.000 đến 8.000 chiếc chiếu các loại được mua bán ở chợ này.
Người mua là những người phụ nữ có chút vốn liếng đứng ra thu gom chiếu số lượng lớn về bán sỉ, phân phối lại qua mạng lưới bán lẻ ở những vùng quê khác. Người bán cũng là những người phụ nữ chân lấm tay bùn, tranh thủ dệt chiếu kiếm thêm thu nhập lúc nông nhàn. Cũng chính vì thế, nên phiên chợ này ăm ắp tình người. Những người may mắn bán được chiếu sớm thì lụi hụi mang chiếu của những bà già, phụ nữ có con mọn đến chào mời người mua giúp. Người mua cũng không quá cò kè, chê bai, cứ ước lượng theo kích thước và đường dệt, hoa văn đẹp, xấu mà hô giá.
Điểm du lịch mới mẻ
Phiên chợ này giờ trở thành một trong những điểm đến mới mẻ mà du khách thường tìm đến khi du lịch tại Quảng Nam. Du khách thường đi tự túc bằng xe đạp theo những con đường làng xanh mướt những hàng cau, ruộng lúa. Sau khi tham quan sông nước hữu tình của vùng quê bên kia sông Hội An, du khách có thể thong dong đạp xe đến chợ chiếu.
Chị Karen Mathew, một du khách đến từ Hà Lan đã bỏ công thức giấc từ 4 giờ sáng để cùng đạp xe với những người bạn đến chợ chiếu”. Cũng như bao du khách khác, khi chứng kiến đôi tay thô ráp của những người nông dân lại thoăn thoắt dệt nên những chiếc chiếu hoa văn cầu kỳ, chị Karen không giấu được tiếng trầm trồ.
“Có khá nhiều du khách đến xem chợ chiếu và theo chân chúng tôi về nhà để xem và thử học cách làm chiếu’, chị Nguyễn Thị Sáu (xã Duy Vinh) khoe. Nhờ đó mà thỉnh thoảng chị có thêm thu nhập từ việc bán những chiếc chiếu mini, hộp cói, gối kê,...để du khách làm quà lưu niệm. “Tuy không nhiều, nhưng nhờ thế mà làng nghề vui nhộn, hồi sinh lại hẳn”, chị Sáu nói.
Mới đây, Sở VH,TT&DL tỉnh Quảng Nam đã đưa phiên chợ này vào trong tour du lịch sinh thái khám phá sông nước Trà Nhiêu... Đồng thời cũng mở lớp tập huấn cho người dân cách làm du lịch cộng đồng. Từ ngày đi tham dự lớp tập huấn, người dân đã ý thức hơn rất nhiều trong việc giữ gìn nét truyền thống của làng nghề cũng như mỹ quan quanh làng để đón khách. Hầu như du khách nào đã một lần đến đây cũng đều thích thú với phong cảnh làng quê hữu tình và cung cách thân thiện của người dân ở đây.
Tour du lịch mới này đang được nhiều công ty lữ hành quan tâm khảo sát nhằm giới thiệu thêm một sản phẩm du lịch mới cho du khách. Điều thú vị là từ làng quê hữu tình này, du khách có thể đến khám phá chợ chiếu Bàn Thạch, thăm làng mộc Kim Bồng. Và nếu có thời gian, du khách cũng có thể đạp xe theo những con đường làng để đến nhiều làng nghề khác của Quảng Nam.
Nguồn : Báo Văn Hóa