Tam Đảo được người Pháp phát hiện vào đầu thế kỷ 20. Ngay lập tức họ đã cho xây dựng ở nơi đây một khu nghỉ mát với 200 biệt thự, khách sạn, nhà hàng, sân chơi thể thao, bể bơi, sàn nhảy. Ngày nay, những biện thự ấy cái còn cái mất nhưng không vì thế làm giảm đi vẻ thơ mộng và lãng mạn của nơi này.
Ðường đi lên núi Tam Đảo khá khúc khuỷu nhưng rất đẹp. Dọc những con đường quanh co ấy, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng muôn loài hoa đồng nội khoe sắc; ngắm những chú bướm đủ loại, đủ màu dập dờn trên hoa và lá... Qua hành trình khám phá nho nhỏ đó, lên tới đỉnh, du khách sẽ được trải nghiệm một cảm giác vô cùng thú vị trước cảnh mênh mông trời, đất, gió, mây...
Phong cảnh Tam Đảo. (Ảnh minh họa) |
Núi Tam Đảo có 3 đỉnh nổi lên như 3 hòn đảo: đỉnh giữa có tên Bàn Thạch cao 1.388m; bên trái là đỉnh Thiên Nhị (chợ trời) cao 1.375m, trên có tháp truyền hình cao 93m, bên phải là đỉnh Phù Nghĩa cao 1.400m. Trên nó có những di tích văn hóa - lịch sử nổi tiếng như chùa Tây Thiên và đền Tây Thiên (còn gọi Đền Mẫu) thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu. Theo thần thoại, Quốc Mẫu Tây Thiên là do linh khí của núi rừng Tam Đảo hun đúc mà nên…
Phía dưới chân núi là một thung lũng nhở đồng thời cũng là một trong những vườn quốc gia lớn nhất miền Bắc. Thị trấn Tam Đảo nằm ở đó. Dù bé xíu nhưng thị trấn du lịch này lại xinh xắn với những con đường lên xuống ngoằn ngoèo, quanh co nho nhỏ với một dòng suối như vệt nước cắt ngang chảy suốt bốn mùa…
Thời tiết ở đây cũng rất lạ. Du khách có thể cảm nhận được bốn mùa chỉ trong một ngày bởi sáng ở Tam Đảo se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu và buổi tối chợt mang đến lạnh giá của mùa đông đất Bắc.
Không chỉ nổi tiếng là xứ xanh với thời tiết mát mẻ sánh ngang với Sa Pa và Đà Lạt mà Tam Đảo còn nổi tiếng về các món ăn đặc sản.
Tam Đảo có nhiều sơn hào nhưng lại không giết hại thú vật quý hiếm hoặc làm hao tổn lâm thổ sản. Người dân nơi đây đã chăn nuôi nhiều con vật như bò, dê, lợn rừng, rắn và vài loài thú hoang dã được thuần hóa để nhân giống chăn nuôi, cung cấp thực phẩm sạch cho các quán ăn, nhà hàng, khách sạn.
Món thịt lợn rừng là lợn rừng thật sự ngon vì chúng được nuôi trong các làng trại của người dân tộc Sán Dìu trên núi. Lợn được thả rông trong rừng, đến bữa gọi về cho ăn thêm rau, cám để chủ nuôi quản lý cho dễ. Vì thế, chúng phải tự kiếm thức ăn có sẵn trong rừng để sống là chính. Do vậy, chúng trở lại bản năng gốc, chậm lớn, mõm dài ra, lông xồm xoàm, mông quắt, bụng thon lại, chân cao lên, chỉ 15 đến 16kg là có thể làm thịt.
Tiếp đến là rau su su Tam Đảo. Món rau này được rất nhiều người ưa chuộng. Rau su su có thể luộc chấm tương hay nước mắm chanh, hoặc xào với tỏi lẫn thịt bò ăn giòn và rất ngon. Ngoài ra, đến với Tam Đảo du khách còn có dịp thưởng thức các các món ngon làm từ măng tươi, nấm hương và cá bống suối… của chính xứ này.
Nguồn : Đất Việt