Đã từng là nơi truyền giáo và cứu rỗi sám hối của 12 nữ tu khổ hạnh, Tu viện Tả Phìn hoang phế ngày nay mang trong mình vẻ đẹp kỳ bí, huyền hoặc lạ thường.
Cách thị trấn Sa Pa khoảng 12 km về phía Đông, trên đường đến bản du lịch Tả Phìn, trị trấn Sa Pa, Lào Cai, bạn không nên bỏ qua cơ hội đến thăm di tích Tu viện Tả Phìn. Hơn nửa thế kỷ qua, nơi đây bị bỏ hoang nhưng lại cuốn hút rất đông du khách dừng chân khám phá và chiêm ngưỡng vẻ đẹp mang đậm nét kiến trúc thời thuộc Pháp đằng sau những lớp bụi thời gian phong kín.
Đây từng là nơi tu hành của 12 nữ tu theo dòng tu khổ hạnh của Hội thánh Kito bị trục xuất ra khỏi Nhật Bản, lưu lạc đến xứ đạo Lào Cai. Tại đây, 12 nữ tu đã có những đóng góp tích cực trong việc nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật canh tác các giống cây lương thực ôn đới, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Sa Pa như lúa kiều mạch đen, đại mạch, các loại rau, khoai lang và các loại hoa quả tươi như nho, táo, đào…
Những cây đào rừng mọc xung quanh Tu viện làm cho khung cảnh thiên nhiên thêm hữu tình. |
Được khởi công xây dựng ngày 8/10/1942, nhưng mấy năm sau đó, một phần trong thiết kế còn lại của Tu viện vẫn chưa được xây xong. Năm 1945, do tình hình an ninh bất ổn, đoàn nữ tu rời về Hà Nội, Tu viện còn dang dở bị bỏ hoang thành phế tích cho đến ngày nay.
Ở nơi núi cao, sương mù bao phủ quanh năm, hình ảnh của tòa Tu viện cổ đổ nát ẩn hiện trong màn sương phủ trắng của Sa Pa, với cây cối rậm rạp khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến những câu chuyện cổ tích xa xưa.
Công trình được xây dựng bằng đá ong nên những bức tường, trụ, cột còn được đến ngày nay vẫn giữ được sự kiên cố và chắc chắn. Những gì còn xót lại của Tu viện đặt ra câu hỏi, không biết do chiến tranh hay sự phá hoại có chủ đích của con người mà công trình được đầu tư xây dựng khá công phu này bị sụp đổ và trở nên hoang tàn như vậy.
Cổng tu viện được xây bằng đá bề thế với lối cổng vòm mang đậm phong cách kiến trúc Pháp, mang vẻ đẹp cổ điển. |
Cấu trúc của Tu viện gồm một nhà ngang hướng mặt về phía tây, 5 gian và một cầu thang, gồm 3 tầng, trong đó có một tầng hầm dưới lòng đất. Nhà ngang này chính là chỗ ở, sinh hoạt của các nữ tu. Ngoài ra, bên phải của toà nhà còn có một nhà dọc nối liền với nhà ngang, đây có thể là nơi cất giữ lương thực thực phẩm, đồ đạc, và là khu bếp của tu viện. Toàn bộ toà nhà hiện nay không còn phần mái, chỉ sót lại những bức tường phủ rêu cổ kính. Phía trước toà nhà là một hành lang khá rộng, dài, nhưng cũng không còn nguyên vẹn.
Rêu phủ kín tường nhuốm màu thời gian. |
Mặc dù bị hoang phế từ lâu, những đường nét cổ kính và không gian trầm mặc của bối cảnh lại là điểm thu hút đông đảo du khách dừng chân tham quan, chụp ảnh.
(Theo Vnexpress)