Miệt Thứ là vùng đất thuộc địa bàn các huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng (Kiên Giang) nằm cặp sông Cái Lớn, chạy ra vịnh Rạch Giá xuống tới huyện U Minh (Cà Mau). Xưa, nói đến Miệt Thứ người ta nghĩ đến vùng đất hoang sơ, khắc nghiệt, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”. Thế nhưng, vùng đất này có sức hút kỳ lạ với những nét độc đáo mang đậm dấu ấn từ thời khẩn hoang.
Đến Miệt Thứ, đặc điểm dễ nhận thấy nhất là có rất nhiều ngôi nhà làm bằng cây lá. Sau Tết Nguyên đán, khi vẫn còn mùa khô, bà con mới bắt đầu sửa sang lại hoặc cất nhà mới, chuẩn bị đối phó với sáu tháng mùa mưa...
Nhà lá ở Miệt Thứ rất đặc trưng, mang tính truyền thống xưa kia để phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu, thời tiết của vùng.
Lá dùng để lợp nhà là dừa nước. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, thích nghi được cả ở môi trường nước ngọt hoặc nước lợ. Lá dừa nước này tương đối bền trước sự thay đổi của thời tiết và khí hậu đặc thù miền nhiệt đới gió mùa ở Nam Bộ. Vào mùa khô, lớp lá dừa nước bao bọc ngôi nhà, cách nhiệt rất tốt. Những buổi trưa nóng bức trong nhà không khí luôn rất mát mẽ. Có lẽ vì vậy mà hiện nay, khi đời sống vật chất được nâng cao, nhiều ngôi nhà làm bằng vật liệu mới mọc lên ở vùng Miệt Thứ, nhưng người ta vẫn cất thêm một mái lá để nghỉ trưa như một kiểu nhà hóng mát. Nếu lá để cất nhà được chọn lọc và lợp kỹ, trung bình 5 năm mới phải thay lá mới.
Chiếc xuồng là phương tiện di chuyển duy nhất thời mở đất ở vùng cuối đất phương Nam nói chung, ở vùng Miệt Thứ nói riêng với cơ man kinh rạch, lung bàu. Qua quá trình hơn 3 thế kỷ phát triển, dù giờ đây xứ này đường bộ đã thông suốt, chiếc xuồng được cải tiến, thậm chí làm bằng vật liệu mới như composite, thì chiếc xuồng ba lá là sáng tạo của bà con Miệt Thứ xưa vẫn còn thông dụng. Tên xuồng ba lá dựa trên cấu tạo của xuồng được ghép bởi ba tấm ván gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy.
Quá trình hoàn thiện chiếc xuồng ba lá, những công cụ đi kèm, cách thức điều khiển và những ứng dụng thực tiễn của nó đã tạo nên một sắc thái riêng cho diện mạo văn hóa Miệt Thứ. Đó là một nền văn hóa mang đậm sắc thái sông nước. Hiện nay khách du lịch đến với Miệt Thứ vẫn rất thích thuê xuồng ba lá tự mình bơi trên những con kênh xuyên rừng tham quan và câu cá giải trí.
Hàng trăm năm qua, chiếc xuồng luôn giữ một vị trí quan trọng đặc biệt trong đời sống của dân... Xuồng là người bạn đồng hành, cũng có thể nói là người bạn đời thủy chung, son sắc gắn bó với con người nơi đây suốt lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Thật ra, chiếc xuồng ba lá không hiếm ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng riêng vùng Miệt Thứ thì nó là phương tiện phổ biến. Xưa, với một nơi địa hình bị kênh rạch chằng chịt chia cắt, rừng rú um tùm, giao thông đường bộ kém phát triển như vùng Miệt Thứ thì chiếc xuồng ba lá là loại phương tiện đắc dụng và phù hợp nhất. Nó có thể được sử dụng để đi lại dễ dàng cả trên sông lớn lẫn kênh nhỏ. Ở Miệt Thứ, người ta chọn xuồng làm phương tiện giao thông chủ yếu không hẳn do điều kiện kinh tế, mà trước hết là vì tính linh hoạt, hữu dụng. Tính linh hoạt của xuồng ba lá đặc biệt có ý nghĩa khi được sử dụng ở trên ruộng hoặc chân rừng ngập nước, những nơi mà hầu như các loại phương tiện khác không thể sử dụng.
Chiếc xuồng dùng để đi thăm câu, giăng lưới, cũng được dùng để vận chuyển sản vật khai thác được ở rừng, chuyên chở thành quả lao động từ đồng ruộng về, dùng xuồng để đi buôn bán. Đôi khi chiếc xuồng được sử dụng như một ngôi nhà lênh đênh trên mặt nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp chống Mỹ, chiếc xuồng ba lá trở thành phương tiện chiến đấu lợi hại của quân và dân vùng Miệt Thứ.
Đến với Miệt Thứ, du khách sẽ ngạc nhiên trước cảnh trên bến dưới thuyền, trao đổi mua bán nhộn nhịp. Tên của các chợ nghe cũng là lạ: Thứ Ba, Thứ Sáu, Thứ Bảy, Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Mười Một... Chợ thường quy tụ ở ngã ba, ngã tư sông, rạch. Chợ nổi vùng Miệt Thứ được hình thành bằng những chiếc ghe lớn, như những ngôi nhà nổi, bềnh bồng trên sông nước, chở theo nhiều loại hàng hóa nhưng chủ yếu là nông sản thực phẩm. Những người buôn bán trên các xuồng chèo, vỏ máy nhỏ... neo đậu, ngã giá rồi chuyên chở luồn lách vào các kênh, rạch xa để phân phối đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa.
Chợ nổi ở Miệt Thứ không quy định thời gian họp, tan, hay địa bàn riêng biệt, bất cứ xuồng ghe nào cũng có thể neo đậu, buôn bán. Việc mưu sinh trên sông nước này đã trở thành nét sinh hoạt đặc trưng của vùng Miệt Thứ. Mỗi chuyến đi, họ thường mang theo mền, mùng, chiếu, gối. Xuồng, ghe dù lớn hay nhỏ đều được xem là chiếc giường lý tưởng giữa trời nước bao la. Chợ càng về khuya thì càng náo nhiệt. Nhiều bạn hàng ở các nơi khác đến mua hàng, thường chọn thời điểm hai, ba giờ sáng, để kịp chở hàng về bán buổi sáng. Những người mua bán ở chợ này không có khái niệm ngày, đêm, bởi lúc nào có khách mua hàng là họ đều đáp ứng.
Như chợ nổi nhiều nơi khác, ở Miệt Thứ các ghe hàng giới thiệu hàng hóa chỉ cần một cây sào ngắn, cắm trên mũi ghe, treo lên hàng mẫu, thế là khách mua biết ghe bán gì. Ở chợ nổi Miệt Thứ, vẫn thấy những phụ nữ xinh tươi, duyên dáng trong áo bà ba, xuôi mái chèo thanh thoát. Những đêm trăng sáng, vài ba chiếc ghe, xuồng chụm vào nhau, người ta rảnh rỗi bàn tán đủ thứ chuyện trong cuộc sống thường nhật, có khi nhâm nhi ly rượu, hát đôi câu vọng cổ giữa tiếng máy, tiếng reo hò... Theo chợ nổi là nhiều quán lưu động trên sông, bán nhiều món ăn thật hấp dẫn, bắt mắt, góp phần làm cho chợ thêm náo nhiệt. Sau lúc mua bán, người ta ngồi trên chiếc xuồng bồng bềnh giữa chợ, tha hồ thưởng thức các món ngon giữa trời nước mênh mông – rất thú vị.
Miệt Thứ bây giờ không còn là vùng đất hoang sơ như trước nhưng vẫn còn không ít những nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của miền quê sông nước.
Nguồn : báo Cần Thơ