Cứ đến tháng 5 âm lịch hằng năm, mùa ruốc lại về, làm náo nhiệt làng biển Kênh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời.
Làng ruốc ở Kênh Hòn.
Hàng trăm phương tiện khai thác ruốc của ngư dân Hòn Đá Bạc.
Ruốc về…!”, tiếng reo vui của những gia đình ngư phủ vọng vào xóm, ấp, thúc giục mọi người nhanh chân ra biển đóng ruốc. Theo ngư dân Kênh Hòn, so với những mùa trước, ruốc năm nay xuất hiện với số lượng lớn trên diện rộng. Bình quân mỗi phương tiện công suất 20CV ra biển khai thác được khoảng 2 - 3 tấn/ngày, có chiếc khai thác được 5 - 7 tấn. Điều làm nhiều ngư dân phấn khởi hơn là năm nay con ruốc trúng mùa lại bán được giá cao. Hiện tại, giá ruốc tươi khoảng 8 - 10 ngàn đồng/kg, nhưng ruốc tươi khó tiêu thụ, nên phần lớn lượng ruốc sau khi đánh bắt ngư dân đều đem phơi để bán ruốc khô. Ruốc khô lớn con, trắng đẹp bán với giá từ 30 - 40 ngàn đồng/kg. Sau mỗi chuyến ra khơi, ngư dân lãi bình quân từ 3 - 6 triệu đồng/chuyến.
Sau chuyến biển.
Công đoạn sàng cá tạp trước khi phơi ruốc.
Ruốc thành phẩm được các thương lái thu mua.
Ruốc là loài giáp xác, thân mảnh nhỏ, ngư dân Nam Bộ gọi là “tép nhỏ”, Hà Tĩnh gọi là “moi”, miền Trung gọi là “khuyết”... Nhỏ nhưng là nguồn thu nhập kha khá cho ngư dân vùng biển. Ruốc được ưa chuộng khắp nơi ở Việt Nam, hiện nay ruốc còn có mặt trong cả các căn bếp sang trọng của các nhà hàng. Hiện, ruốc khô được các thương lái thu mua xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản...
Nguồn : Baoanhdatmui