Ngôi làng mang tên Giethoorn. Bao quanh bởi những con kênh đào với vẻ đẹp yên bình, cổ kính rất riêng, được ví như “Venice của Hà Lan”.
Làng cổ Giethoorn nằm cách thủ đô Amsterdam, Hà Lan 120km về phía Đông Bắc. Du khách thường gọi thân thương bằng làng, song về mặt hành chính đây là một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Overijssel, Hà Lan.
Mùa đông kênh rạch ở Giethoorn trở thành đường trượt băng.
Thị trấn này được phát hiện từ những năm 1230 bởi một nhóm người Địa Trung Hải di cư. Khi đến đây họ thấy nhiều sừng dê bị vùi lấp trong lòng đất. Số sừng này được dự đoán là những gì còn sót lại trong trận lụt năm 1170. Vì vậy, ngôi làng được đặt tên là “Geytenhoren”, với ý nghĩa nơi khai quật sừng dê và được rút gọn là Giethoorn.
Du khách tham quan ngôi làng sẽ cảm nhận được vẻ cổ kính khi đi qua các ngôi nhà và trang trại mái tranh gần gũi thiên nhiên. Tuy nhiên, thị trấn cổ tích này chỉ thực sự nổi tiếng sau khi xuất hiện lần đầu trong bộ phim hài Fanfare của nhà làm phim Hà Lan - Bert Haanstra, ra mắt năm 1958.
Từ bộ phim này, hình ảnh siêu thực về cảnh vật, con người, môi trường trong lành, thanh bình của Giethoorn được du khách biết đến nhiều hơn. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới, mỗi năm, Giethoorn thu hút hơn 800.000 du khách ghé thăm.
Làng Giethoorn căng tràn nhựa sống vào mùa hè.
Giống như các ngôi làng trong truyện cổ tích, làng cổ Giethoorn thu hút khách du lịch khắp nơi trên thế giới nhờ vào những ngôi nhà với vườn tược xanh mướt, ngập tràn hoa tươi bao quanh, được dày công chăm bón. Điểm đặc biệt nữa là ngôi làng không có đường sá, muốn đi vào làng phải ngồi thuyền nhỏ trên kênh rạch. Giethoorn cũng có nhiều hồ và ao nhỏ, được hình thành từ hoạt động khai thác than bùn trước đây của cư dân. Nhờ vậy, du khách có thể trải nghiệm chèo thuyền kayak, ngồi canô hay “thuyền thì thầm”, một loại xuồng máy chạy bằng điện không gây ồn và ô nhiễm cho ngôi làng.
Nếu cần tìm một chốn bình yên quên đi phố thị xô bồ, ồn ào, làng Giethoorn chính là địa điểm “không khói bụi, không còi xe” dành cho khách du lịch. Theo ước tính Giethoorn có khoảng 176 cây cầu được xây dựng bằng nhiều loại vật liệu khác nhau như: bê tông, thép, gỗ…
Âm thanh lớn nhất du khách nghe được có lẽ là tiếng quàng quạc của bầy vịt bơi dưới nước hoặc tiếng thiên cầm bay qua. Chính nhờ những điều này mà Giethoorn mang đến cho du khách trải nghiệm kì diệu như bước chân vào thế giới cổ tích.
Khác với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng khác, du khách có thể ghé thăm Giethoorn vào tất cả các mùa trong năm. Nếu như mùa xuân, ngôi làng trở lên rạng rỡ với muôn ngàn loài hoa đua nhau nở rộ thì đến mùa hè, những thảm cỏ xanh mướt bao trùm khắp làng, giúp làng cổ Giethoorn căng tràn nhựa sống.
Khi trời vào thu, bầu trời ở Giethoorn cao và xanh ngắt. Cây cối cũng đến mùa thay lá. Những chiếc lá xanh tươi dần chuyển sang sắc vàng đỏ gợi cảm giác man mác buồn. Rồi mùa đông đến, ngôi làng khoác lên mình một màu trắng xoá do kênh rạch đóng băng, mái nhà, cỏ cây tuyết bao phủ. Giethoorn như thu mình chìm vào giấc ngủ, chờ mùa xuân đến gõ cửa và tỉnh giấc đón hoa cỏ rực rỡ sắc màu.
Kênh rạch đóng băng gây khó khăn trong di chuyển nhưng trở thành những đường trượt băng lý tưởng cho cư dân và du khách.
Giethoorn có khoảng 2.600 cư dân sinh sống gần nhau. Đến đây du khách có thể đi bộ khám phá từng góc nhỏ, thả hồn tận hưởng hương thơm hoa cỏ và không khí trong lành. Song du khách cần tôn trọng người dân bản xứ, không xâm phạm vào tài sản tư nhân, đặc biệt là mở cổng để chụp ảnh với những ngôi nhà.
Bên cạnh việc chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng của Giethoorn, du khách có thể ghé thăm những bảo tàng. Giethoorn có 3 bảo tàng nổi tiếng gồm: Het Olde Maat Uus - một trang trại ghi dấu lịch sử của Giethoorn trong thế kỷ 20, tái hiện công việc và trải nghiệm hành trình làm việc ở nông trại; Museum de Oude Aarde trưng bày nhiều bộ sưu tập đá quý và khoáng sản và Histomobil - nổi tiếng với các bộ sưu tập ô tô, mô tô và xe ngựa.
Giethoorn cũng có những nhà hàng và quán cà phê phục vụ du lịch. Tuy nhiên du khách có thể tự chuẩn bị đồ ăn và tận hưởng một chuyến dã ngoại dọc bờ kênh.
Nguồn: Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Sưu tầm: Ngô Diệp