Phố cổ Gia Hội - chợ Dinh ở Huế như một ốc đảo nằm giữa sông đào Đông Ba (Hộ thành hà) và vòng cung sông Hương đoạn từ chợ Đông Ba về phố cổ Bao Vinh.
Đây là khu phố buôn bán sầm uất của người Hoa với tám nhà hàng lớn, mỗi nhà hàng có một tên riêng và có tên chung là Duyên giang bát hàng (tám hàng ở ven sông). Thời Chúa Nguyễn khu vực này là doanh trại của quân đội. Người Hoa gọi khu vực đóng quân là dinh. Theo thư tịch cũ, ngày xưa ở cuối phố này có chợ phục vụ cho binh lính gọi là Dinh thị hạ ấp. Có thể từ cái chợ Dinh ấy mà về sau ra tên phố Chợ Dinh chăng? Giả thiết thứ hai, thời nhà Nguyễn khu vực này là đất lập phủ phòng, đệ trạch của các ông hoàng bà chúa, dinh thự của các quan lại trong triều. Trong số đó có Dinh Ông.
Dinh Ông là tư thất của Phụ chính đại thần Trần Tiễn Thành (1813 - 1883) dưới triều Tự Đức. Vì không ăn cánh với hai quan Phụ chánh Đại thần khác là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nên Trần Tiễn Thành đã xin về nghỉ tại Dinh Ông. Phía dưới Dinh Ông có nhiều phủ lớn như Phủ Thọ Xuân Vương, Phủ Thoại Thái Vương, Phủ Hoà Thạnh Vương, Phủ Quảng Biên Quận Công...
Thọ Xuân Vương Miên Định (1810-1886) là con của vua Minh Mạng. Ông có vai trò quan trọng trong tổ chức điều hành Tôn Nhơn Phủ, từng làm nhiếp chính khi vua Hàm Nghi xuất bôn. Ông cương trực, thẳng thắn. Vì quốc thể ông đã thét vào mặt sứ Thanh là Bảo Thanh, bắt hắn xuống ngựa khi đi vào cửa Chu Tước thành Thăng Long, trong dịp sứ Thanh sang làm lễ tuyên phong vua Thiệu Trị.
Ở phố Chợ Dinh xưa, ngoài các dinh thự, phủ phòng còn có khá nhiều ngôi nhà cổ, những di tích lịch sử, văn hoá và chùa, miếu của cả người Việt và người Hoa. Du khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu các công trình kiến trúc, các nhân vật lịch sử chắc chắn phải cất công đi về nhiều lần. Dưới đây là một vài địa chỉ tiêu biểu:
Đền Chiêu Ứng, được dựng vào năm 1887, thờ 108 người Hải Nam sang định cư làm ăn ở Thuận Hoá. Chùa Bà, do người Hoa khi mới đến Thuận Hoá đã lập ở làng Minh Hương (Bao Vinh) để thờ Bà Mã Châu. Khi lên khu phố mới Gia Hội làm ăn họ làm thêm Chùa Bà này. Chùa Quảng Đông, thờ Quan Công, do Bang Quảng Đông lập từ cuối thế kỷ 19. Chùa Triều Châu do người Triều Châu lập để thờ vong linh phiêu bạt của Bang Triều Châu. Chùa Phúc Kiến, ở cạnh chùa Triều Châu, lập thời Tự Đức...
Các công trình của người Việt đáng kể nhất ở đây là Thanh Bình Thự mà trung tâm là nhà thờ tổ ngành hát tuồng. Từ đường Thanh Bình được lập thời Minh Mạng, năm 1825, thờ các tổ sư nghề hát tuồng và những người có công lao đối với sân khấu tuồng trên cả nước. Thanh Bình Thự, bao quanh từ đường, là cơ quan điều hành, dàn dựng các chương trình múa hát cung đình đồng thời là nơi đào tạo nghệ nhân ca vũ nhạc truyền thống. Thanh Bình Thự đã được xếp hạng là di tích văn hoá quốc gia./.
Nguồn : Báo BRVT