Trong di sản kiến trúc của triều Nguyễn còn lại ngoài những lăng tẩm, đền đài còn phải kể đến nơi ở của các ông hoàng bà chúa và các quan lại. Những chốn đó mang lối kiến trúc đáng để quan tâm tìm hiểu bởi nó là một phần trong bản sắc văn hoá Huế.
Vua Minh Mạng có tất cả 142 người con, nhà vua lệnh cho con cái đến tuổi trưởng thành không ở trong Tử cấm thành mà phải ra ngoài xây các vương phủ. Và mỗi người đều xây dựng cho mình một nơi chốn riêng. Mỗi vương phủ đều có những kiểu dáng và lối kiến trúc không giống nhau.
Cổng ngõ Huế xưa
Cái khác biệt lớn nhất, ấn tượng nhất chính là cổng ngõ, nơi bắt đầu bước vào nhà. Mỗi cổng phủ đệ được xây dựng kiểu dáng khác nhau, mỗi cái mỗi vẻ nhằm biểu hiện vai vế, đẳng cấp, giới tính, tính cách, tâm hồn của từng chủ nhân. Nói vậy không có nghĩa, ai cũng có thể tự mình phá dỡ những quy định ràng buộc, lề luật quan điểm của kiến trúc phong kiến. Ví như hình long (rồng) chỉ với ông hoàng, chim phụng với bà chúa. Cả những chi tiết mặt trăng, mặt trời, nhóm tứ linh quen thuộc, nội dung được khắc ghi trên toạ đăng đều phân định rõ ràng. Cổng tam quan chỉ được xây nơi dinh ông hoàng, bà chúa như ở cổng Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, Vĩnh An Viên của Diên Phước công chúa (con bà Từ Dũ...). Loại cổng này thường uy nghi, hoành tráng đầy vẻ quyền quý tôn nghiêm.
Cổng phủ đệ được xây bằng gạch, cao ráo, tường rất dày. Phần phụ trên vòm cổng chiếm nhiều diện tích xây dựng, với nhiều hoạ tiết. Trên cửa chính là tên gọi của vương phủ, tả hữu thường ghi hai câu đối bằng chữ Hán nhằm biểu hiện một thái độ, quan điểm sống, hành trạng của chủ nhân. Theo một số nhà nghiên cứu thì cổng ngõ là công đoạn cuối cùng trong quy trình xây dựng dinh cơ nhà cửa. Vì thế đấy là nơi để chủ nhân thể hiện tâm nguyện của mình.
Các dạng không gian phủ đệ
Cũng cần phân biệt sự khác nhau của Phủ và Đệ. Phủ là tên gọi tắt của vương phủ - gọi chung các dinh cơ của ông hoàng. Còn Đệ, dành gọi những nơi cư ngụ của các bà hoàng.
Ở Huế hiện ước tính còn lại khoảng trên dưới 40 phủ đệ, trong số đó cũng nhiều cái đã xuống cấp và bị thu hẹp, nằm rải rác ở khu vực Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Gia Hội, dọc đường Phan Đình Phùng...
Người Huế xưa sống hướng nội. Vì thế dù là ở nơi chốn vương giả thì bên cạnh cái đồ sộ của dinh cơ vẫn là một không gian sống có phần biệt lập, cách ly với mọi sự ồn ã bên ngoài. Tổ chức nhà vườn dù khác nhau đến mấy vẫn trên nguyên tắc theo trình tự: cổng, ngõ, bình phong, hồ nước, sân, nhà (gồm gian chính để thờ tự, phòng khách, phòng sinh hoạt, phòng ngủ, nhà bếp... Và nhất nhất là luôn trung thành với luật phong thủy trong xây dựng. Phủ đệ nào cũng có những vườn cây um tùm bao bọc chung quanh.
Phủ của An Thường công chúa (đường Nguyễn Công Trứ) được thiết kế như thế giới của sự thu mình, trộn lẫn sự đằm thắm nữ tính và nét đài các sang trọng.
Phủ Lạc Tịnh Viên (65 Phan Đình Phùng) được hiểu là vui được yên lặng, biểu lộ một thái độ sống của vị quan Tuần vũ Hồng Khẳng, con trai của Tùng Thiện Vương. Ông là người từng chở che, giúp đỡ các nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân, buồn thế sự đã từ quan về Huế. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu chữ U, thanh thoát, nhẹ nhàng và yên lặng, mời gọi khách tham quan.
Còn Cung An Định (An Cựu) là dinh cơ bề thế, hoành tráng nhất trong các phủ đệ. Cổng tam quan trang trí bằng những hình nổi gắn sành sứ hài hoà, tinh tế. Với ba chữ An Định Cung màu vàng. Toà nhà đồ sộ được xây dựng bằng chất liệu khá bền vững, nội thất trang trí toàn là những thứ quý giá. Đây là nơi mà hoàng tử Phụng Hoá Bửu Đảo xây dựng làm phủ riêng năm 1902 mà sau này (1916) lên ngôi vua Khải Định. Việc xây dựng riêng một biệt cung ngoài Tử cấm thành là trái với quy định. Cho đến nay Cung An Định vẫn là ngôi lâu đài tương đối còn nguyên vẹn nhất với lối kiến trúc pha trộn giữa Việt Nam và châu Âu.
Mỗi biệt phủ đều có những nét riêng của không gian sống, biểu hiện một văn hoá của giới vương giả, quyền quý. Nhất là mặt kiến trúc thì phủ đệ đã góp phần làm cho diện mạo Huế thêm phong phú, đa dạng. Vì thế cũng cần có một kế hoạch bảo tồn gìn giữ bởi đó chính là di sản quốc gia.
Nguồn : SGTT