Nhiều năm sống ở thành phố biển, quen nghe tiếng sóng vỗ về, nhưng lòng không nguôi ngoai một nỗi nhớ về Tây nguyên bởi tôi đã có nhiều năm dạy học ở vùng cao ấy. Vì thế, khi có cơ hội tôi lại vội vàng thu xếp công việc để lên đường.
Những khách sạn trong vườn thông xanh mát ở Măng Đen.
Sinh thời, nhà báo Đặng Ngọc Khoa có lần đi Tây nguyên về, say sưa kể chuyện Măng Đen, một vùng đất tôi vẫn còn nặng nợ nỗi niềm hạnh ngộ, đầy xao xuyến, đôi khi vấn vương thương cảm. Rồi nhớ, Khoa lại đọc thơ, những câu thơ đóng vào lòng tôi một dấu ấn của hẹn hò tiếc nuối. "Tay buồn vì không ai nắm / Cái chân buồn thì nhớ con đường / Cái bụng đau như con suối cạn / Cái ngực bồi hồi lại nhớ Măng Đen…".
Khi nghe chúng tôi đặt chân đến Kon Tum, anh Mười Hùng vồn vã: Hay lắm, Măng Đen hay lắm, lên đi, lên đi. Anh Mười vốn là dân Quảng Nam, trước đây được tỉnh điều về chi viện làm Bí thư Huyện uỷ Konplong nhằm tạo lực đẩy cho khu du lịch Măng Đen, một trong ba vùng động lực phát triển kinh tế, xã hội tỉnh KonTum. Hiện nay, anh đã về Kon Tum làm Chủ tịch UBND tỉnh.
Huyện Kon Plong có tổng diện tích hơn 2.248 km2, khí hậu quanh năm mát lạnh, nhiệt độ trung bình 20 độ C; 97 % dân số gồm các dân tộc M'Nông, Sêđăng, Cadong, H’re...
Đây là một vùng đất văn hoá giàu tính bản địa, mang nặng đặc trưng của vùng Bắc Tây nguyên. |
Trong nhiều năm, anh dồn nhiều tâm huyết, trí lực và thời gian cho Măng Đen, để rồi vùng đất ấy như nàng sơn nữ nằm ngủ lâu ngày trong rừng được đánh thức để về hát ca trẩy hội giữa cao nguyên xanh… Măng Đen như rũ bùn đứng dậy sáng loà, trở thành một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kỳ thú và hấp dẫn.
Trời tối hẳn, xe chúng tôi mới đến khách sạn Đồi Thông. Chị Ylang, Chủ tịch UBND huyện Konplong cùng với mấy anh chị trong Uỷ ban huyện được anh Mười báo tin, đã có mặt đợi chúng tôi. Sau vài câu chào hỏi, một anh bạn cùng đi hỏi thăm một ít thông tin về địa phương, nhưng chị Ylang, là người dân tộc H’re vốn bộc trực, thân mật khoát tay: Thôi khuya rồi, các anh dùng cơm rồi nghỉ ngơi đã, có gì mai nói chuyện.
Sáng sớm trời còn mù sương, chúng tôi ngồi uống cà phê trên sân thượng, nhìn xuống mặt hồ và phía bên kia là bạt ngàn rừng nguyên sinh hun hút một màu xanh của rừng già. Nhìn quanh, Măng Đen mở ra trước mắt là hàng trăm ngôi biệt thự, khách sạn còn tươi rói màu ngói đỏ, nâu, hồng lô nhô như trong tranh của nhà danh hoạ Rembrant, thấp thoáng dưới ngàn thông.
Có một điều thú vị là các công trình kiến trúc không cái nào giống cái nào, không trùng lặp kiểu cách. Có lẽ, điều này đủ làm nên sự khác biệt về bộ mặt hạ tầng so với nhiều khu đô thị mới mọc lên ở Tây nguyên, vốn thường đa phần đều na ná một kiểu dáng kiến trúc. Được biết khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen được quy hoạch thành 11 cụm, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với kinh phí 2.000 tỉ đồng; đã được Tổng cục Du lịch đưa vào chiến lược quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2006-2010.
|
Thác nước trong rừng nguyên sinh cách khu du lịch Măng Đen khoảng 5 km. |
Chị Ylang còn cho biết về quy hoạch chi tiết, thiết kế, sử dụng đất đai phải tuân thủ những quy định của chính quyền, bắt buộc các chủ đầu tư được xây dựng cơ sở vật chất chỉ chiếm 40% diện tích đất, tuyệt đối không phá rừng, nhất là đối với thông, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Để tránh việc mua bán, giữ đất, chính quyền địa phương chỉ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng được 2/3 tổng công trình.
Ấn tượng nhất vẫn là hình ảnh của cây thông. Ở đây có hai loại thông: thông đỏ và thông pơmu. Thông được trồng từ hai bên đường đèo Măng Đen, mọc ken dày thành những cánh rừng mênh mông chi địa, bao quanh trong vườn nhà. Bởi vậy có người ví Măng Đen là một Đà Lạt thu nhỏ. Tôi không thích lối so sánh này vì Đà Lạt là một vẻ đẹp đã hoàn thiện, hoàn thiện đôi khi thái quá bởi sự khai thác càng lúc càng ồ ạt của con người, trong khi Măng Đen như một sơn nữ lộng lẫy còn e ấp, hoang dại giữa đại ngàn đủ tạo nên một sức hấp dẫn để kích thích người ta khám phá.
Những cây thông trên vùng đất này chỉ có độ tuổi chừng ba mươi mấy năm mà theo các anh trong Uỷ ban huyện, chính họ đã tham gia phong trào trồng cây thông ngày ấy, để bây giờ thông phủ đầy thành những cánh rừng đến nỗi đi đâu người ta cũng gặp thông. Chợt nhớ một chi tiết khá thú vị. Vào những năm đầu sau 75, khi ấy tôi còn ở Tây nguyên, thời cả nước đều tập trung ưu tiên tăng gia sản xuất lương thực, chặt rừng làm rẫy trồng khoai mì, ngô, lúa... thế mà người Măng Đen lại đi trồng thông. Câu chuyện nghe qua thật lãng mạn, khó tin nhưng là có thật. Và cũng nhờ cái lãng mạn lạ đời ấy để bây giờ Măng Đen trở thành vùng đất ngàn thông.
Măng Đen còn có nhiều hồ nước lớn, trong xanh như hồ Đăm, Ki, Lung, Ly leng, Pô, Jỏi, Săng, Kpomg; trong đó hồ Đăm rộng tới 2 héc ta. Và rất nhiều thác còn nguyên vẻ hoang sơ như thác Trạm, Pasix, Dake… Măng Đen đầy đủ yếu tố để làm nên một thương hiệu về du lịch sinh thái độc đáo ở Tây Nguyên với cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ, hoang sơ. Những con đường len lỏi trong đại ngàn biêng biếc hoa mua, hoa sim tím bên cạnh muôn loài hoa rừng khoe sắc. Người Măng Đen còn biết xây dựng một trại giống trồng hoa và nông sản để vừa làm đẹp thêm cho không gian phố thị vừa phục vụ nhu cầu cho lượng khách du lịch mỗi ngày mỗi tăng lên.
"Chúng tôi không chỉ tận dụng những ao hồ tự nhiên mà còn đào thêm hồ để nuôi những loài cá đặc sản như cá tầm, cá hồi, cá chình suối. Và xây dựng những trại chăn nuôi thú rừng như sơn dương, gà rừng, heo rừng, nai, nhím.. vừa để phục vụ du khách vừa để nâng cao đời sống của nhân dân, dân huyện tôi còn khổ lắm các anh ạ…", chị Ylang bộc bạch.
|
Hồ nuôi cá nước ngọt trong khu du lịch Măng Đen. |
Vài ngày ở lại Măng Đen, quả thực chúng tôi liên tiếp có những ngạc nhiên thú vị. Những con cá tầm nặng tới 5 - 6 cân béo ngậy, món canh chua cá hồi ngọt thơm lừng, những con gà rừng, heo nuôi thả của bà con miền núi nướng lên ngon đáo để. Về đêm, giữa không gian khói sương huyền hoặc lành lạnh mà ngồi lâng lâng với rượu cần thật tuyệt, như nghe được hơi thở của núi rừng, cây lá, cả những tiếng kêu của thú rừng, ếch nhái.
Cảnh quan thiên nhiên, môi trường trong lành, màu sắc văn hóa bản địa là những thứ thừa sức khiến Măng Đen trở thành một điểm đến tuyệt vời của du lịch nghỉ dưỡng ở Tây nguyên và nhất là đã hình thành một hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đáp ứng đầy đủ tiện nghi cho du khách bốn phương.
Nhưng vẫn còn đó một mặt khác của hiện thực, đúng như lời của chị Ylang nói, đời sống của người dân địa phương vẫn chưa phải là hết khó khăn, chưa phải chỉ ngày một ngày hai là đủ đầy. Chúng tôi nghiệm ra điều ấy khi về thăm khu dân cư tập trung của huyện cách chỗ ở gần 10 km. Một số ngôi nhà còn tuềnh toàng, các em nhỏ đến trường còn lếch thếch, đầu tóc còn khét nắng. Những nhu cầu hạ tầng cơ bản cho dân cư thường được nêu trong các khẩu hiệu "Điện - đường - trường - trạm" ở đây dù đã được xây dựng nhưng vẫn còn đơn sơ, thiếu thốn.
Nói đến đây, lại nhớ đến Đặng Ngọc Khoa, chợt thấy lòng đan xen giữa niềm vui và sự trắc ẩn. Khoa ngày ấy lên Măng Đen cùng với nhóm thiện nguyện của anh. Nhóm bạn ấy không lên đây du lịch mà làm việc thiện nguyện. Đến giờ, người dân ở Măng Đen vẫn còn nhắc đến hình ảnh một ông nhà báo có bím tóc xăng xái phân phát đồ dùng cho mọi người. Khi nghe tin Khoa đi xa, nhiều người bùi ngùi, rưng rưng: người tốt thế mà… đi vội!
Giá như trong chuyến này, có Khoa cùng đi với chúng tôi, chắc chắn anh sẽ rất vui khi thấy so với ngày trước thì đời sống người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi, dù vẫn còn nghèo những đã khá hơn rõ rệt. Và phải thừa nhận rằng với việc khu du lịch sinh thái Măng Đen đang đổi thay từng ngày tạo ra biết bao việc làm cho người dân, cơ sở hạ tầng, giao thông đang được đầu tư xây dựng…
Tôi nhớ buổi đầu ngồi nói chuyện với chi Ylang, biết chị là ngươi H’re mới hỏi: Vì sao người Cadong thường hay làm nhà trên sườn núi cao, còn người H’re lại dựng nhà ở lưng chừng núi. Chị cười tủm tỉm, khi nào anh về mình sẽ trả lời. Thế mà luấn quấn chuyện gì để khi chia tay lại quên nhắc chị trả lời, để về xuôi rồi mà cứ vẩn vơ, bao giờ lại có dịp trở lại Măng Đen?!
|
Măng Đen chỉ mới có một số ít biệt thự, mỗi cái có một kiểu cách kiến trúc hoàn toàn khác nhau. Điều này khiến khách du lịch liên tưởng đến Đà Lạt. Tuy nhiên vẫn còn quá sớm để so sánh vì nếu không có quy hoạch được tuân thủ nghiêm ngặt thì chẳng bao lâu, tình trạng lộn xộn về kiến trúc đô thị có thể diễn ra như hầu hết các đô thị ở VN hiện nay. |
Nguồn : SGT