Bình Định là nơi có rất nhiều lăng Ông ở làng vạn chài. Mỗi lăng Ông đều gắn liền với những truyền thuyết, câu chuyện kỳ thú xung quanh tục thờ cá Ông (cá voi) và lòng tôn kính đặc biệt của ngư dân với loài động vật biển này.
Nhiều lăng Ông lâu đời
Lăng Ông ở thôn Vĩnh Lợi 3 được xây dựng từ năm 1791, hiện còn giữ được 5 sắc phong ghi các niên hiệu thuộc các thời vua triều Nguyễn
Một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ cá voi là tín ngưỡng của người Chăm được người Việt tiếp thu trong quá trình giao lưu văn hóa. Trong thần thoại Chăm thì cá voi vốn là hóa thân của vị thần Cha-Aih-Va, sau đó đã đổi tên và tự xưng là Po Riyah (thầan Sóng Biển) cứu giúp những người bị đắm thuyền. Có sự tích thì kể Phật Bà Quan Âm thấy dân lành đói khổ, thường xuyên phải ra biển kiếm ăn trong điều kiện mưa bão nguy hiểm... nên đã xé vụn chiếc áo cà sa của mình quăng xuống biển, biến thành vô vàn cá voi được ban phép để làm nhiệm vụ cứu người giữa bão tố. Một truyền thuyết khác, Nguyễn Ánh thời gian khó đi trên biển bị nạn được cá voi cứu giúp… nên sau khi lên ngôi thì Vua Gia Long đã sắc phong cho cá voi là Nam Hải Đại Tướng Quân, Ngọc Lân Chi Thần và khuyến dụ ngư dân thờ phụng.
Trong tín ngưỡng của các làng vạn chài ở miền Trung và một số tỉnh, thành miền Nam thì cá Ông là vị phúc thần được ngư dân thờ cúng kính tín với những nghi thức, lễ hội uy nghiêm nhất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh có gần 30 lăng Ông. TP Quy Nhơn: 5, Tuy Phước: 1, Phù Cát: 7, Phù Mỹ: 4, Hoài Nhơn: 12. Lăng Ông ở thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) được xây dựng ban đầu từ năm 1785, lăng Ông ở thôn An Quang (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) xây dựng năm 1806… và đặc biệt ở thôn Vĩnh Lợi 3 (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) có đến hai lăng Ông. Trong đó, lăng Ông lâu đời hơn được xây dựng từ năm 1791, hiện còn giữ được 5 sắc phong ghi các niên hiệu thuộc các thời vua Thiệu Trị (2 bản sắc phong), Tự Đức, Đồng Khánh, Khải Định với hàm ý phong tước hiệu và cho phép thờ thần Nam Hải. Lăng Ông ở làng Hưng Lương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) còn lưu giữ 6 sắc phong của các vua triều Nguyễn, cùng với hai liễn phong: Ngọc Tôn Thần và Võ Cao Môn.
Thắp hương khấn vái Ông tại lăng Từ đường thôn Vĩnh Lợi 3.
Giữ được nhiều sắc phong nhất là lăng Ông ở thôn Kim Giao Nam (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn). Cụ Võ Triết, ngư dân thôn Kim Giao Nam, cho biết: “Ngày xưa, người được giao nhiệm vụ canh giữ sắc phong phải là các cụ cao tuổi có gia đình hạnh phúc, được nhân dân kính trọng... nhưng đến sau này thì sắc phong được đưa vào lăng Ông để thờ tự. Hiện trong lăng Ông còn giữ 10 tờ sắc phong của các đời vua Nguyễn…”. Các lăng Ông hàng năm đều tổ chức lễ hội cầu ngư để con em vạn chài khắp nơi về tụ hội. Trong đó, lễ hội cầu ngư (ngày 10.4 Âm lịch) ở thôn An Quang được tổ chức hoành tráng nhất, thường kéo dài đến 10 ngày với nhiều hoạt động thu hút đông đảo người dân gần xa.
Tín ngưỡng từ hiện thực kỳ thú
Nhiều câu chuyện huyền bí xung quanh việc cứu nạn lúc hiểm nguy trên biển của cá voi nên loài cá này đã được ngư dân tôn kính là vị Thần Ngư Nam Hải và gọi là “Ông”. Cụ Nguyễn Lung (70 tuổi), người trông coi lăng Ông ở khu 2 (72 Nguyễn Huệ), phường Trần Phú, TP Quy Nhơn), cho biết: “Nhiều thuyền của ngư dân bị hỏng máy trôi trên biển, mọi người khấn vái… thì thấy Ông (cá voi) xuất hiện dìu thuyền vô tới gần bờ. Ông cũng thường xuyên cứu ngư dân khi gặp nạn trên biển. Vừa rồi có một ngư dân đi đánh bắt xa bờ, đêm khuya bất cẩn rớt xuống biển không ai biết. Đến sáng khi mọi người biết chuyện quay lại tìm không thấy, đã điện về cho người thân mang đồ cúng ra bãi biển khấn vái mong nhận được xác. Điều kỳ diệu là khi ngư dân này cố gắng chống chọi sóng biển đến lúc kiệt sức, thì bỗng thấy toàn thân ấm áp và được nâng lên trên mặt nước nhờ Ông “cõng” bơi trên mặt biển suốt cả ngày cho đến khi gặp tàu cứu vớt...”.
Làng vạn chài nào thấy cá voi bị sóng gió đẩy vô gần bờ thì đều tìm mọi cách hỗ trợ đẩy ra ngoài biển khơi. Nếu cá voi không đủ sức bơi đi mà tiếp tục dạt vào bờ thì dân vạn chài đón rước vào lăng Ông tổ chức nghi lễ cúng bái cho đến khi “lụy” (chết).
Ngư dân giới thiệu một sắc phong của vua triều Nguyễn cho lăng Ông ở thôn Kim Giao Nam (xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn).
Thuyền của ngư dân khi đi đánh bắt ở bất kỳ đâu mà gặp cá voi chết thì đều phải vớt lên thuyền, bỏ vào hầm ướp đá để đem về vạn chài địa phương mình chôn cất. Theo tục lệ của ngư dân Bình Định thì cá voi sau khi chôn cất đúng một năm sẽ được cải táng để đưa xương cốt vào trong lăng thờ cúng, hàng năm đều tổ chức lễ giỗ. Hiện, lăng Ông ở khu 2 là nơi lưu giữ nhiều bộ cốt cá voi nhất, với cả trăm bộ cốt đựng trong các quách gỗ đóng kín thờ cúng trong gian chính điện, được phân chia bên phải gian chính điện đặt cốt cá voi đực còn bên trái đặt cốt cá voi cái. Lăng Ông ở thôn An Quang có gần 70 bộ cốt cá voi, được sắp xếp gọn gàng trưng bày từng ngăn trong tủ kính. Lăng Ông ở thôn Lộ Diêu, (xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn) lưu giữ khoảng 50 bộ cốt cá voi…
Bộ cốt cá voi khổng lồ
Chúng tôi tìm đến thôn Vĩnh Lợi 3, nơi có đến hai lăng Ông là lăng Từ đường và lăng Đại đều thuộc dạng nổi bật nhất ở Bình Định. Đặc biệt là lăng Đại đang lưu giữ bộ cốt cá voi khổng lồ. Cụ Võ Thành Chương (84 tuổi), người lo hương khói lăng Từ đường, cho biết: “Theo lời cha tôi kể lại thì cách đây hàng trăm năm, có một cá Ông khổng lồ bị bệnh đã dạt vào gần bờ. Dân các làng xung quanh khu vực phải huy động nhiều thuyền lớn mới đưa được lên bờ, tuy đã bị đứt đi phần đuôi nhưng đo được chiều dài của thân cá Ông hơn 20 mét, còn chiều cao thì hai người lớn đứng trên vai cũng chưa bằng. Ban đầu bộ cốt Ông khổng lồ này được thờ chung trong lăng Từ đường với vài chục bộ cốt khác, nhưng Ông “hiển linh” báo cho dân làng là không muốn thờ chung. Do đó cách đây khoảng 70-80 năm, làng vạn chài đã xây riêng lăng Đại để thờ…”.
Lăng Ông ở thôn Bình Thái (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) có lịch sử lâu đời nhất ở Bình Định, được xây dựng từ năm 1785.
Theo chân ngư dân thôn Vĩnh Lợi 3, chúng tôi leo lên núi để viếng lăng Đại có địa thế rất đẹp, lưng tựa núi, ngay trước mặt là đầm Đạm Thủy phong cảnh hữu tình. Bước vào chính điện thắp hương xong, chúng tôi vòng ra phía sau bàn thờ chính để rồi “choáng” trước bộ cốt cá voi khổng lồ được chất đầy trong một căn phòng lắp kính trong suốt rộng gần chục m2. Nhìn những chiếc xương cá to lớn tồn tại qua hàng trăm năm, có khúc xương trông như tảng đá… có thể phần nào hình dung được khi còn sống cá voi này có kích thước “khủng” như thế nào. Bộ cốt cá voi ở lăng Đại xem ra không thua kém so với bộ cốt cá voi dài 22 m, nặng 65 tấn từ lâu đã được cho là lớn nhất Việt Nam mà chúng tôi đã từng đến xem ở dinh Vạn Thủy Tú (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Điều này đã tạo nên sự độc đáo riêng cho lăng Đại, nhưng hiện còn chưa được du khách gần xa biết đến…
Lăng Ông là nơi bồi đắp tinh thần cố kết cộng đồng, sự gắn kết giữa con người và động vật biển, đồng thời góp phần bảo lưu nét đẹp của phong tục, các loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, nghệ thuật truyền thống… Nhiều làng vạn chài ở Bình Định tổ chức được lễ hội cầu ngư tại lăng Ông thành những ngày hội đậm chất văn hóa dân gian độc đáo mang bản sắc riêng của địa phương.
Nguồn : Báo Bình Định