Nổi tiếng với những tòa biệt thự cổ nhưng mấy thập niên qua làng Cựu dường như bị quên lãng sau những bức tường kiên cố hay những ổ khóa im lìm.
Một ngày đầu đông, chúng tôi tìm về làng Cựu thuộc xã Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội. Tiếng lành đồn xa, làng này đã nổi tiếng từ những năm đầu thế kỷ XX với nghề may mặc. Những người thợ tài hoa của làng đã tạo ra những bộ cánh đẹp nhất cho giới quý tộc Hà Nội hay những bộ complet, váy đầm cho người Tây. Nhờ thế mà họ giàu lên nhanh chóng. Do tiếp xúc với văn hóa phương Tây, mà cụ thể là người Pháp lúc bấy giờ, nên những công trình kiến trúc mà họ xây dựng cũng ít nhiều ảnh hưởng từ Pháp.
Ấn tượng khi đến làng Cựu là cổng làng, đã ngả màu vàng và lấm tấm rêu phong. Chiếc cổng là sự kết hợp hài hòa của những cột vuông, mái cong uốn lượn - nét đặc trưng của kiến trúc phương Đông và cột tròn, mái vòm - điểm nổi bật của kiến trúc phương Tây. Kiểu kiến trúc hai tầng tám mái kết hợp với bốn cột trụ, trang trí những họa tiết cầu kỳ, tinh tế cũng cho thấy làng Cựu xưa kia giàu có đến mức nào.
Cổng làng Cựu |
Rẽ vào từng ngõ nhỏ, du khách mới thấu hết vẻ đẹp tinh tế của làng Cựu. Đó là cây đề, cây bàng trăm tuổi đứng sừng sững trước bến nước của làng. Những cặp câu đối chữ nho khắc in trước cổng vào, hai bên cửa hay trên những cột nhà. Chiếc lan can nhỏ xinh kiểu Pháp kết hợp với mái che cong cong nối hai tòa biệt thự vào nhau. Là những họa tiết được trang trí cầu kỳ trên cổng, như hình hoa đào, hoa sói, hình con tôm hùm, con lân, con phượng. Tất cả sẽ gợi cho ta về một làng quê yên bình, cổ kính và ăm ắp hoài niệm.
Không chỉ hút hồn người xem bằng những kiến trúc độc đáo, làng Cựu còn làm ấm lòng du khách bằng tấm lòng thảo thơm, hiếu khách. Khi đến làng, chúng tôi đã được người dân nơi đây tận tình chỉ dẫn những tòa biệt thự đẹp nhất, cổ nhất và lớn nhất. Những thổn thức, băn khoăn tại sao đã mấy thập niên những tòa biệt thự cổ vẫn kín cổng cao tường, im lìm sau những ổ khóa cũng được người dân giải đáp. Thì ra, những thế hệ người làng Cựu hôm nay đã và đang lưu giữ những báu vật xưa. Cụ Bùi Văn Khánh, 65 tuổi, đang sống trong ngôi nhà cổ xây dựng từ năm 1929 tâm sự: “Bây giờ có tiền cũng không xây dựng được những kiến trúc độc đáo như thế. Các cụ để lại thế nào thì phải giữ lại thế đó. Mình không ở nữa thì để người khác ở để họ giữ gìn còn mình đi xây dựng, kiến thiết ở chỗ khác”.
Nguồn : TN