Khác với hình ảnh nhà tranh vách đất thường thấy ở các làng quê truyền thống Việt Nam, làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội lại nổi danh với hàng chục ngôi biệt thự cổ sang trọng kiểu Pháp được xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ XX.
Một góc làng Cựu hôm nay |
Cổng làng Cựu rêu phong, bề thế |
Cổng làng Cựu kiến trúc cầu kì, có lối lên xuống, có tầng, có mái. Leo lên tầng cao của cổng, phóng tầm mắt ra xa, làng Cựu hiện lên với hàng chục ngôi biệt thự cổ nằm rải rác khắp làng.
Những ngôi biệt thự bề thế còn lại ở làng là dấu tích của một thời thịnh vượng. Xưa, làng Cựu đồng chiêm trũng, quanh năm cấy một vụ trăm bề khó khăn. Năm 1921, hỏa hoạn xảy ra thiêu trụi nửa làng. Không cam chịu ngồi không bó gối, những người nông dân khăn gói toả đi tứ xứ tìm kế sinh nhai, mưu sinh kiếm sống. Dân làng Cựu phất lên từ nghề may. Anh em ông Phúc Mỹ, Phúc Hưng, hai người đầu tiên vào nghề may trở thành thợ may đệ nhất xứ Hà Thành. Những đôi bàn tay chai sạm cuốc cày vốn chỉ quen việc đồng áng bỗng một ngày trở thành “đôi tay vàng” cầm kéo cắt may nên những bộ vét, bộ đầm tân thời cho người Pháp và lớp người giàu có ở Hà Nội. Vì thế mà dân làng Cựu chẳng mấy chốc nổi tiếng với nghề may đồ Tây. Nhiều người làm ăn khấm khá, có của ăn của để nên đổ về làng xây nhà cao cửa rộng.
Cổng nhà thờ tổ họ Trần ở làng Cựu |
Những hoa văn trang trí mang đậm nét kiến trúc phương Tây trên ngôi nhà cổ xây từ năm 1929 của cụ Phó Du |
Một cổng nhà có kiểu kiến trúc pha trộn giữa Đông và Tây |
Chiếc cầu nhỏ bắc qua hai tòa nhà của ông Xã Vinh |
Thời đó, kiến trúc Pháp đang thịnh hành ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng,... Vì thế, dân làng Cựu cũng đem theo lối kiến trúc ấy về làng. Chẳng thế mà nhiều tòa nhà ở làng Cựu thời đó đều mang dáng dấp của những ngôi biệt thự kiểu Pháp.
Ở làng có ngôi nhà của cụ Phó Du xây vào 1929, tức thuộc loại có sớm nhất làng, nổi tiếng với hình con tôm đắp nổi rất đẹp ở trước cổng. Còn nhà ông Xã Vinh lại nổi tiếng có lối kiến trúc cầu kì với ngõ vào thênh thang lát đá tảng xanh, cổng trang trí kiểu sơn thuỷ hữu tình, trên có hình hoa đào, hoa sói, tôm hùm, lân, phượng, câu đối khắc chữ Nho. Giữa hai tòa nhà, phía trên cao còn có cả một chiếc cầu cong be bé xinh xinh nối liền. Ngay như ngôi nhà thờ họ Trần, tuy được xây theo lối thuần Việt nhưng cũng thấp thoáng có nét phương Tây bởi sự bề thế và quy mô của nó.
Nhìn chung, biệt thự nào cũng treo hoành phi, câu đối. Trước cửa nhà thường có đắp nổi bức cuốn thư có hình thanh kiếm và ngọn bút lông ở hai bên. Điều thú vị là dường như phong cách kiến trúc và lối bài trí ở các ngôi biệt thự còn thể hiện cả nét tính cách riêng của từng gia đình hoặc dòng họ. Theo lời các bậc cao niên trong làng kể lại, thời trước, người giàu có làng Cựu xây nhà công phu lắm. Có những ngôi biệt thự, riêng phần cửa, thợ giỏi phải thay nhau chạm trổ cả năm trời mới xong.
Một số hoa văn thường được dùng để trang trí trong các biệt thự cổ ở làng Cựu. |
Dạo quanh làng Cựu, ghé thăm từng ngôi biệt thự cổ và những ngõ xóm lát gạch nghiêng uốn lượn quanh co bỗng thấy lòng bồi hồi như được trở về với một thời xưa cũ đầy ắp kỉ niệm. Ở đó có cảnh bình yên của một ngôi làng giàu có thuở xa xưa.
Ngày nay, làng Cựu vẫn còn đó những ngôi biệt thự cổ nhuốm màu thời gian, những mảng tường rêu xanh qua năm tháng, những ngõ lát đá xanh vuông vức ngả bóng thời gian... Du khách phương xa nếu có dịp về thăm làng Cựu sẽ nhớ mãi những hình ảnh khó quên về một ngôi làng đặc biệt ven đô Hà Nội.
Thời gian đã phủ bóng rêu phong lên từng ngôi biệt thự nhưng hình ảnh về làng Cựu vàng son thuở nào thì dường như vẫn còn đọng mãi qua từng đường nét kiến trúc tinh tế của mỗi ngôi nhà.
Nguồn : BAVN