Qua phà Châu Giang bên bờ thị xã Châu Đốc sang sông Hậu, phà cập bến lên xóm Châu Giang thơ mộng với vườn cây ăn trái xanh tươi trù phú. Bên này là xứ sở nổi tiếng làng lụa Châu Phong - làng Chăm, nay thuộc thị xã Tân Châu. Đây là nơi cư trú của khoảng 300 người Chăm với hơn 400 hộ.
Chị Millơ, thợ dệt thủ công, với những thao tác thuần thục bên khung cửi.Kamaridah (trái) giới thiệu với du khách các sản phẩm làm từ tơ lụa Tân Châu.
Người Chăm đến đây định cư lâu đời, vào khoảng năm 1691 (theo di tích còn lại để tại ngôi đền Mubarak). Xóm Châu Giang có hai ngôi thánh đường chính là Mubarak và Azhar. Người Chăm theo đạo Hồi, nhánh Islam, kiêng cử các loài thú: Heo, chó, rắn, mèo, chuột, ếch, rùa. Nhất là heo thì tuyệt đối không nuôi.
Theo con lộ từ đầu làng cặp bờ sông Hậu, vào đến nơi, xe dừng đỗ bên sân rộng. Anh chị em văn nghệ sĩ Cà Mau bước vào Trung tâm Thông tin du lịch Châu Phong. Khu nhà rộng rãi, phần tiếp giáp bờ là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm… phần phía sông dành cho du khách ngồi nghỉ chân, giải khát, hóng mát, ngắm dòng sông Hậu êm đềm…
Du khách đến đây tận mắt “chiêm ngưỡng” các loại thổ cẩm… Anh Lý Văn Bệ (Hai Bệ), 66 tuổi, người quản lý, bảo vệ Trung tâm Thông tin du lịch Châu Phong, cho biết: Có khoảng 40 loại thổ cẩm được làm ra tại đây như khăn, áo, túi xách, nón… Người Chăm sống bằng nghề dệt, thêu đan, chài lưới trên sông và đi buôn. Ngoài ra, họ còn trồng nhiều loại cây ăn trái như táo, xoài, vú sữa… tạo nên bóng mát hữu tình bên bờ sông Hậu, cuốn hút du khách, thanh niên nam nữ sang vui chơi… Anh Hai Bệ cũng cho biết: Làng nghề còn khoảng một trăm người duy trì nghề dệt này: Dệt lụa chỉ tơ, chỉ cô-tông, hàng cao cấp đủ loại…
Chị Milah (Millơ), 49 tuổi, thợ dệt thủ công, quàng chiếc khăn có đính hạt chiếu vàng lấp lánh, nét đẹp của người phụ nữ Chăm, ngồi trước khung cửi thao tác thuần thục con thoi cuộn chỉ dệt chiếc khăn sọc màu xanh, nghe rõ từng tiếng khua “lọc cọc” khô khốc của con thoi chạy qua chạy lại đều đều trên khung cửi. Đứng ngắm nhìn, nghe âm thanh này mãi cũng có thể phát ghiền! Có người hỏi, chị Millơ trả lời: Biết dệt từ lúc mười tuổi. Hiện nay mỗi ngày dệt được 2 chiếc khăn, mỗi chiếc giá 40 ngàn đồng. Chị Millơ thổ lộ hoàn cảnh: Ông xã mất hồi năm 2003. Chị có 3 đứa con, đều đi làm, chạy bàn ở nhà hàng khách sạn…, với ngề dệt, chị cũng không giấu: Do chỉ dệt giá quá cao, làm không có lời nên người ta nghỉ nhiều.
Bước ra khu nhà sàn, mặt phía sông rộng. Sớm giờ còn bốn du khách nước ngoài - người Hà Lan, ngồi đây nghỉ ngơi, giải khát, ngắm cảnh khá lâu. Một hồi sau, mấy “ông Tây bà đầm” này xuống chiếc đò máy chạy trở vô thị xã Châu Đốc. Họ thích đi du lịch bồng bềnh trên sông nước, cảm giác sẽ thú vị hơn!
Trở vào phòng trưng bày, không khí chụp ảnh lưu niệm bỗng chốc vui, nhộn nhịp. Cô Kamaridah, 18 tuổi, nhân viên ở đây, được các tác giả trẻ trong đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau mời cùng đứng chụp ảnh, vừa giới thiệu sản phẩm, vừa giới thiệu cô gái Chăm bên những mặt hàng thổ cẩm bằng nghệ thuật lao động sáng tạo làm ra… Với chiếc khăn trắng và bộ y phục, cô Kamaridah gương mặt tròn, đôi mắt sáng, luôn tươi vui, hớn hở, tha hồ biểu cảm nét duyên dáng và những kiểu ảnh đẹp này thế nào cũng sẽ được đăng trên báo ở Cà Mau…
Ban nãy tôi nhờ cô Kamaridah viết ra giùm tên chị Milah (Millơ), giờ tôi lại nhờ cô tiếp, viết ra tên một người phụ nữ nữa. Đó là chị Ma Ri Dăm, cũng là nhân viên phục vụ ở đây.
- Chị làm việc gì là chính?
Chị Ma Ri Dăm cười, chỉ tay vào ly tách và đống vỏ chai:
- Pha nước cho khách!
Tại Trung tâm Thông tin du lịch Châu Phong, buổi sáng lúc đoàn văn nghệ sĩ Cà Mau đến, ở đây có bốn người. Duy nhất chỉ một nam là anh Hai Bệ, dáng thấp, trung trung, bình thường, như bao người đàn ông khác, bởi không dễ phân biệt anh là người Chăm… Nữ chiếm số đông là chị Millơ, chị Ma Ri Dăm và cô Kamaridah, nét đẹp đặc trưng của người con gái, người phụ nữ Chăm, với y phục màu sắc lộng lẫy và đẹp mắt!
Ở tỉnh An Giang, có trên một vạn người Chăm sống tập trung thành từng ấp xen kẽ với người Kinh như ấp Đồng Cô Ky, ấp La Ma, ấp Phước Thành thuộc huyện An Phú; ấp Phum Xoài, ấp Châu Giang, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; ấp Khánh An, xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú.
Văn hóa Chăm góp phần tô điểm thêm hương sắc, phong phú nền văn hóa dân tộc trên đất An Giang. Du khách cảm nhận được nét độc đáo của văn hóa Chăm ngay Trung tâm Thông tin du lịch Châu Phong này - dù chỉ là thoáng chốc!
Nguồn : Báo Ảnh Đất Mũi