Nằm cách Hà Nội khoảng 48 km, làng cổ Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) trải dài theo dòng sông Cầu thơ mộng. Nơi đây được coi là mảnh đất "địa linh nhân kiệt", nổi tiếng trong cả nước với làng gốm, làng bánh tráng và làng quan họ cổ...
Qua bến đò Thổ Hà phía bờ hữu ngạn sông Cầu, từ trên mặt sông đã cảm nhận được vẻ hiền hòa của dòng nước, lũy tre xanh và bờ tường ghép đầy mảnh gốm đen bóng. Những cây đa, cây si gần bến nước rủ từng chùm rễ in bóng xuống mặt sông. Ngoài ra, Thổ Hà còn nổi tiếng với những kiến trúc cổ từ nhà cửa đến cổng làng, khu giếng cổ đều được làm bằng gạch nung và sành đắp nổi không tráng men, đặc biệt nơi đây còn hiện hữu ngôi chùa cổ kính và ngôi đình bề thế - một kiệt tác của kiến trúc cổ truyền Việt Nam.
Ngôi đình Thổ Hà được khởi dựng cách đây hơn 300 năm. Ðình thờ thành hoàng là Lão Tử và tổ sư nghề gốm Ðào Trí Tiến. Ðình Thổ Hà là ngôi đình cổ thứ hai ở Bắc Giang (sau đình Lỗ Hạnh là ngôi đình cổ được tạo dựng năm 1576), đình được xây dựng vào thời Lê Chính Hòa (1686). Ðình có quy mô lớn, kết cấu kiến trúc tương đối hoàn chỉnh. Các mảng chạm khắc trên kiến trúc thể hiện phong cách thời Lê rõ nét, độc đáo. Ðề tài thể hiện trên các cấu kiện kiến trúc chủ yếu là "tứ linh, tứ quý" hoa lá cách điệu, chim thú và con người. Con rồng ở đình Thổ Hà được chạm ở nhiều bộ phận: đầu dư, bẩy, kẻ, cốn, ván nong, câu đầu với các đề tài rồng ổ, rồng mẹ cõng rồng con, rồng vờn thiếu nữ... Ngoài các cấu kiện kiến trúc cổ, hiện đình còn lưu giữ được chín tấm bia cổ, qua những thư tịch cổ, bia đá cổ đã là những minh chứng cho sự cổ kính của ngôi đình. Bởi vậy, không ngẫu nhiên mà các nhà khoa học lại xem đình Thổ Hà là một bông hoa về nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Năm 1962, đình Thổ Hà đã được Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa.
Mỗi khi đi vào các đường làng, ngõ xóm ở Thổ Hà mới thấy độc đáo của làng cổ với những ngả đường hình xương cá, những tuyến đường, trục đường dải hình bàn cờ cổ xưa nối tiếp gắn mạch nhau. Vẻ đẹp cổ kính nơi đây có nhiều nét giống làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội). Ði vào trong làng, kỳ thú nhất là những ngõ nhỏ. Một mầu đỏ của thứ gạch cũ kỹ đã mòn vẹt, trơ ra thần thái của dấu ấn thời gian, ngõ nhỏ heo hút, tường xếp chằn chặn một thứ sành nâu đen bóng. Khách đến nơi đây thường có ấn tượng đặc biệt với vẻ cổ kính, hoài niệm mà lại dân dã, lắng đọng. Cái đặc biệt trong lối ăn ở của con người làng gốm cổ là sử dụng chính những đồ gốm, mảnh gốm bỏ đi để xây nhà, xây tường. Những bức tường ấy cũng không trát vôi vữa, mặc kệ gió mưa mà tạo thành khối gắn kết độc đáo.
Thổ Hà đẹp và hấp dẫn du khách không chỉ ở những bí quyết và đặc sản làng nghề mà còn thu hút khách du lịch ở sự cổ kính với hệ thống cổng làng, cổng nhà đậm cổ. Cổng lớn nằm ở ngay đầu làng phía trước đình, bên tả là hồ nước rộng, bên hữu có cây đa hàng trăm năm tuổi, đây là những nét rất đặc trưng mang đậm dấu ấn văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc Bộ với hình ảnh cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình cùng với những vòm cổng, những khu miếu thờ, từ chỉ, đình, chùa... Ngoài ra, những ngôi nhà cổ hàng trăm năm ở nơi đây vẫn còn hiện hữu, hằn in dấu vết thời gian. Một trong những ngôi nhà cổ còn được lưu giữ khá nguyên vẹn là ngôi nhà của anh Trịnh Quang Thanh. Hiện gia đình anh vẫn sinh sống trong ngôi nhà ấy nhưng gian thờ chính giữa được dùng làm nhà thờ tổ họ (từ đường họ Trịnh Quang đời thứ sáu). Ngôi nhà có bình đồ kiến trúc hình chữ nhị, gian thờ tự được làm theo kết cấu kiến trúc kiểu "chồng rường giá chiêng, con tiện", gồm năm gian, hai chái, gian ngoài làm theo kiểu "tiền kẻ, hậu bẩy", đường ra vào với hệ thống cửa bức bàn, tường ốp gỗ mít, chung quanh vỉa gạch hoặc trang trí bằng những bức khảm trai gỗ với các đề tài "tứ linh, tứ quý" và các điển tích cổ.
Khi ánh nắng vàng soi nghiêng, những vòm cổng, ngôi nhà, mái đình cổ kính cùng những bức tường được xây đắp bằng gốm nung bỗng toát lên vẻ đẹp rất lạ với ánh vàng, đỏ in dấu vết của thời gian. Vẻ đẹp cổ kính ở những khu kiến trúc cổ, làng cổ cùng với những nghề thủ công truyền thống in đậm hồn quê Thổ Hà đã và đang tạo sức hấp dẫn lớn đối với du khách trong và ngoài nước đến tham quan.
Nguồn: Website Nhân Dân