Nằm cách thành phố Bắc Giang 20km về phía Đông Bắc, Thổ Hà là một làng trù phú ven sông Cầu. Thổ Hà không chỉ nổi tiếng với nghề làm gốm, làm bánh đa nem truyền thống mà còn là vùng đất bảo lưu được khá nguyên vẹn những nét văn hóa đặc trưng của một làng Việt cổ.
Nét cổ kính của Thổ Hà thể hiện ở chiếc cổng làng rêu phong trầm mặc, ở ‘‘cây đa, bến nước, sân đình”, những mái chùa ‘‘trơ gan cùng tuế nguyệt”, những ngõ nhỏ đậm màu thời gian… Ở Thổ Hà, đâu đâu cũng là hình ảnh thân thuộc của làng quê đồng bằng Bắc bộ.
"Cây đa, bến nước" Thổ Hà |
Đình Thổ Hà
Tọa lạc ở vị trí giữa làng, trên một khu đất rộng chừng 3000m2 quay mặt ra sông Cầu, đình Thổ Hà được xem là một trong những ngôi đình cổ nhất vùng Kinh Bắc. Đình là nơi thờ Thái Thượng Lão Quân - người được dân làng tôn làm thành hoàng. Truyện tích kể rằng Thái Thượng Lão Quân, hay còn gọi là Lão Đam, là người đã có công giúp vua An Dương Vương dẹp giặc Xích Quỷ, xây thành Cổ Loa. Thổ Hà là nơi ngài hoá và để tưởng nhớ công lao hiển hách của ngài, nhân dân trong vùng lập đình thờ phụng.
Đình Thổ Hà nổi bật với lối kiến trúc dân gian cùng nhiều bức chạm khắc, phù điêu lộng lẫy, sinh động, đạt đến trình độ điêu luyện và tinh xảo có từ thời Lê. Đặc biệt, đình còn tấm bia đá có tên ‘‘Thủy tạo đình miếu bi” được khắc vào năm 1693 ghi lại rất rõ quá trình xây dựng ngôi đình. Kiến trúc đình gồm hai tòa tả vu, hữu vu, tòa tiền tế và hậu cung. Đã hơn 300 năm trôi qua kể từ ngày khởi dựng (vào thời Lê) trải qua vô số biến động lịch sử, đình Thổ Hà vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính của một ngôi đình thế kỷ XVII.
Chùa Đoan Minh
Chùa có tên chữ là Đoan Minh tự, với lối kiến trúc ‘‘nội công, ngoại quốc” cùng hệ thống tòa ngang, dãy dọc. Các tài liệu cho thấy Đoan Minh tự được xây dựng cùng thời gian với đình Thổ Hà (thời Lê). Ngoài hệ thống kiến trúc cổ, tượng cổ, các bức hoành phi, câu đối…, chùa còn tấm bia đá ghi chép về việc dựng chùa và những lần trùng tu.
Từ chỉ Thổ Hà
Với 5 gian tiền tế và 3 gian hậu cung, từ chỉ Thổ Hà là nơi thờ Khổng Tử với một bức tượng Khổng Tử bằng đồng ở hậu cung. Đặc biệt, 8 tấm bia đá ghi chép danh sách 70 người đỗ đạt qua các triều đại của làng Thổ Hà cho thấy đây là mảnh đất giàu truyền thống khoa bảng của xứ Kinh Bắc.
Kí ức một làng gốm cổ
Đến Thổ Hà hôm nay, du khách có thể nhận biết diện mạo của một làng gốm cổ qua rất nhiều nền móng, phế tích của các lò nung gốm cổ ngày xưa cùng những phế liệu, mảnh vỡ của các sản phẩm gốm xung quanh làng.
Với lịch sử nghề làm nghề gốm gần 800 năm, cùng với làng gốm Bát Tràng và Phù Lãng, Thổ Hà là một trong ba làng có nghề gốm nổi tiếng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Ông tổ nghề gốm Thổ Hà là Đào Trí Tiến. Vào thời Lý, ông được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, ở đây ông đã học được nghề làm gốm. Khi trở về ông đã truyền dạy cho nhân dân quê mình. Ban đầu nghề được truyền cho nhân dân trong vùng núi Gốm ven sông Cầu, sau đó vì đất hẹp nên đã chuyển về Thổ Hà - nơi có nguồn đất làm gốm phong phú và thuận tiện cho giao thông đi lại.
Ngày xưa, Thổ Hà nổi tiếng với những sản phẩm gốm dân dụng như: chum, vại, ấm tích, bình vôi, tiểu sành, chậu cảnh, chậu hoa, các con vật bằng gốm như nghê, cá, rồng… Khác với gốm ở Phù Lãng và Bát Tràng, gốm Thổ Hà không có lớp men phủ, chỉ có màu nâu cánh gián do men mộc tự nhiên chảy ra từ nhựa đất trong quá trình nung. Gốm Thổ Hà gõ vào kêu coong coong như thép, mảnh gốm vỡ sắc như dao… Chính những đặc điểm này giúp khách hàng dễ dàng phân biệt gốm Thổ Hà với các loại gốm khác.
Ngày xưa, sự nổi tiếng của gốm Thổ Hà đã truyền đi khắp cả nước, thuyền buôn tấp nập cập bến Thổ Hà để lấy hàng, đồ dùng từ gốm Thổ Hà trở thành những sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình. Trong một tấm bia ở đình Thổ Hà khắc năm Chính Hòa thứ 14 (1693) có đoạn viết: ‘‘…xã Thổ Hà có bến đò và chợ, mỗi tháng họp 12 phiên, mọi người đến mua đồ sành để việc giao dịch thông thương, nhân dân yên ổn, nghề nghiệp vui vẻ…”. Tấm bia khác cũng ghi: …‘‘bạn công thương chứa hàng tại chợ chất thành gò đống, tái hóa luôn luôn lưu thông, nhân dân nhà nào cũng có lò nung gốm…mùa thu năm nào cũng mở hội vui mừng”….
Tiếc thay, cảnh tượng đó giờ đây chỉ còn là dĩ vãng khi gốm Thổ Hà đã qua thời hoàng kim. Trong thời kinh tế thị trường, vì thiếu đầu ra, hình thức và giá cả thiếu tính cạnh tranh nên gốm Thổ Hà không đứng vững được. Không ít lò gốm ở Thổ Hà đã phải nguội lửa, người dân bỏ nghề, gốm Thổ Hà đứng trên bờ vực bị xóa sổ khỏi danh sách làng gốm sau gần 8 thế kỷ hưng thịnh. Hiện nay, ở Thổ Hà vẫn còn một số người có tâm huyết với nghề gốm, mang hy vọng khôi phục lại nghề truyền thống nổi tiếng một thời này bằng những sản phẩm mới mang tính mỹ nghệ cao. Lửa lò đã đỏ lại ở Thổ Hà - tín hiệu vui cho nghề gốm Thổ Hà, dù con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai…
Nguồn : PNOL