Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và kỷ nguyên số không chỉ giúp tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế mà còn mở ra một chân trời kết nối giữa con người với con người.
Phải đến đầu năm 2017 thì Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và chính quyền các đô thị lớn mới bàn nhiều về những cơ hội, thách thức trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ngành y tế thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh tại các bệnh viện, tiến tới việc lưu trữ hồ sơ y tế cá nhân, dùng liên thông giữa các bệnh viện. Ngành tư pháp, công an cũng chỉ mới thí điểm quản lý mã số định danh công dân thay cho chứng minh nhân dân, hộ khẩu… Trong khi đó, tại các bản làng Cơ Tu khuất lấp giữa đại ngàn Trường Sơn đã thực hiện số hoá cơ sở dữ liệu dân cư, phục vụ quản lý hành chính từ hơn 3 năm nay.
Không biên giới ở huyện vùng biên
Sáu giờ sáng, khu vực thị tứ ATiêng – huyện lỵ Tây Giang vẫn còn ngái ngủ trong mờ sương. Tôi chạy bộ trên con đường có đánh biển số, vòng qua hồ nước công viên ngay trung tâm huyện mà nghe rõ tiếng bước chân mình bởi sự tĩnh lặng vùng cao. Cái thị tứ nhỏ nhắn, xinh xinh này mới hình thành kể từ ngày Tây Giang tái thành lập huyện (2003), nhưng cũng ra dáng đô thị. Đường sá quy hoạch mới, hài hoà với sông núi, nhưng không kém phần hiện đại. Ngoài những dải phân cách trồng đầy hoa theo chuyên đề như hoa hoàng hậu, phượng rừng, hoa đào, cây thông lá kim… mỗi góc đường đều có biển đánh số đường, kèm chỉ dẫn giao thông bằng 3 thứ tiếng Anh, tiếng Việt và Cơ Tu. Chưa thành thị trấn, chưa đủ tiêu chuẩn đặt tên đường, nhưng huyện đã đánh số tất cả các đường cho thuận tiện giao thương, đi lại của người dân.
Con đường vắng hoe, nhưng đọc dòng chữ “lươt tơớ a’tươm/ go right/ đi bên phải” ngay ngắn trên biển chỉ dẫn, tôi buột miệng cười, nhưng rồi cũng chạy đúng phần đường của mình, bên phải. Khi mở điện thoại ra, càng giật mình khi thấy cột sóng wifi miễn phí đầy ắp, gần như phủ khắp khu vực trung tâm huyện. Những điều thú vị như vậy cứ bất ngờ xuất hiện, nhất là đối với khách lạ, lần đầu trải nghiệm ở huyện biên viễn Tây Giang này.
Ngược về phía biên giới, giáp với Lào, con đường về xã Lăng như sợ chỉ mong manh giữa rừng thẳm. Hai hàng thông Caribe ven đường như thì thầm, vi vu trong những cơn gió lưng đèo, như một Đà Lạt chợt thoáng qua. Dù đi giữa rừng vắng, nhưng tìm về những làng Pơ Rning, Aró, Tà Ry… không mấy khó khăn đối với khách lạ. Bởi mỗi ngả đường rẽ vào làng đều được cắm bảng chỉ dẫn bằng cả 3 thứ tiếng Anh – Việt –Cơ Tu.
Nếu như ở giữa trung tâm huyện lỵ, đã bắt gặp nhiều điều thú vị, bất ngờ khi mới tỉnh dậy, thì bây giờ vào làng Pơ Rning chúng tôi càng trố mắt, ngạc nhiên hơn. Làng Pơ Rning quần tụ bởi những ngôi nhà trên ngọn đồi bát úp, xoay quanh một nhà Gươil. Gươil không chỉ là nhà sinh hoạt cộng đồng, nơi tổ chức các lễ hội, nơi tế lễ, phán xử… mà còn là trung tâm tín ngưỡng của cộng đồng Cơ Tu và là nơi tiếp khách. Đứng ở Gươil, tầm nhìn có thể bao quát hết từng ngôi nhà trong làng. Làng Pơ Rning không thiếu sóng wifi để kết nối thế giới. Nhưng điều lạ hơn là cả hệ thống điện trong làng đều được ngầm hoá. Già Clâu Nâm kể: “Làng mới được bố trí trên một ngọn đồi, xung quanh là núi cao nên thường xuyên bị sét đánh khi có dông. Thu lôi không chống xuể, nên khi kéo điện về, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền cho ngầm hoá để tránh sét. Kéo dây điện lùng nhùng ở vùng núi nhiều giây leo, cây bụi như trước đây liên tục bị sự cố, mất điện và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Bây giờ điện đi ngầm không chỉ đẹp cảnh quan mà còn tuyệt đối an toàn”. Những thiếu nữ Cơ Tu ở trong ngôi làng giữa đại ngàn Trường Sơn này không chỉ miệt mài dệt thổ cẩm, mà còn dùng smatphones để ship cúc họ mi, hoa thuỷ tiên từ Hà Nội, lên mạng đặt hàng giảm giá tận Seoul, New York… dịp Black Friday.
Bí thư huyện uỷ Tây Giang, ông B’hriu Liếc cho biết: Để tránh thảm hoạ lũ quét, sạt núi, vùi nhà, làm chết người thường xuyên như trước đây, chính quyền huyện Tây Giang đã có chủ trương sắp xếp lại hoàn toàn 95 bản làng, cụm dân cư. Bố trí tập trung trên những ngọn đồi bát úp. Đến nay, Tây Giang đã tái định cư được 74 trên tổng số 95 làng Cơ Tu. Chính vì xây dựng mặt bằng trên đỉnh một ngọn đồi bát úp mà gần 10 năm nay, Tây Giang không xảy ra bất cứ trường hợp nào chết người, sập nhà do sạt lở núi, lũ lụt. Làng quần tụ như vậy cũng tiết kiệm đáng kể về ngân sách khi đầu tư hạ tầng giao thông, y tế, trường học. Đồng thời bảo tồn được các giá trị văn hoá, tín ngưỡng riêng có của tộc người Cơ Tu. Giữa mùa mưa bão, sạt lở núi ầm ầm, vùi lấp cả trăm nhà, làm chết hàng chục người ở các huyện Phước Sơn, Nam và Bắc Trà My gần đó, mới thấy sự êm ấm, bình yên của những bản làng Cơ Tu ở Tây Giang giá trị biết chừng nào.
Dữ liệu cư dân trong mã số định danh chủ hộ
Chúng tôi vòng vào làng mới Aró, ngỡ ngàng hơn khi 130 hộ đều có số nhà như ở thành phố. Nhà được bố trí quanh làng theo hình quả xoài, nên đánh số chẵn, lẻ xen kẽ nhau. Dưới mỗi biển số nhà là tên họ của chủ hộ. Tôi hỏi nhà trưởng thôn B’hriu Zứih, mấy đứa nhỏ trong làng đáp ngay: “nhà 39”. Gần như mọi người trong làng đều nhớ số nhà của nhau.
Arất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, mỗi hộ dân không chỉ có một số nhà để định danh chủ hộ, mà số nhà đó cũng chính là số hộ khẩu. Nhiều chủ nhà tìm mua, lựa chọn số điện thoại, biển số xe… có số đuôi trùng với số nhà của mình. Chỉ cần nhớ tên chủ hộ hoặc gõ số nhà, cán bộ ở trung tâm huyện biết ngay họ tên chủ nhà, tên tuổi năm sinh, giới tính của các thành viên trong gia đình. Chỉ cần gõ số nhà ở làng cụ thể nào đó, chúng tôi có thể tra ra ngay nhà đó có bao nhiêu người, có xe máy, tivi hay không. Nhà có bao nhiêu diện tích rừng, rẫy. Có phải gia đình chính sách hay thuộc diện đói nghèo, gia chủ tham gia tôn giáo nào…”
Ông Arất Blúi giải thích thêm, Tây Giang có 10 xã thì trong đó có đến 8 xã biên giới, giáp với Lào. Các làng xã nằm rải rác trên diện tích gần 1.000 km2 và đều ở vùng rừng núi cao, đèo dốc xa xôi, đi lại cách trở. Những năm mới tái lập huyện, cán bộ đi cơ sở là phải mất 10 ngày, nửa tháng. Mưa lũ, tắc đường đôi khi bị cô lập vài tháng trời. Chính vì điều kiện khắc nghiệt như vậy, Tây Giang buộc phải sắp xếp lại dân cư theo làng bản tập trung, nghĩ đến việc số hoá cơ sở dữ liệu dân cư để tiện việc quản lý, khỏi tốn nhiều công sức đi cơ sở khảo sát, thống kê mỗi khi có sự kiện, dự án nào đó triển khai. Ông Blúi cho biết, có được cơ sở dữ liệu cơ bản này rồi, chính quyền Tây Giang đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thêm. Nếu phát sinh những dữ liệu gì khác về dân cư, như hồ sơ y tế cá nhân, phân bổ số hộ tham gia một dự án cụ thể nào… thì hoàn toàn có thể tích hợp vào hệ thống dữ liệu chung. Việc tra cứu, thống kê, quản lý sẽ đỡ tốn nhiều nhân lực so trước đây.
Ông B’hriu Liếc, Bí thư huyện uỷ Tây Giang rất tự hào về thành quả này. Ông Liếc nói, sau khi thí điểm thành công tại 3 xã Lăng, Dang và ATiêng hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu công dân đang triển khai nhân rộng ra cho toàn huyện. Khi làng mới sắp xếp ổn định thì đồng thời nhập liệu, đánh mã số chủ hộ để số hoá, quản lý. Ông Liếc cho biết đây là sáng kiến của ông Arất Blúi, phó chủ tịch UBND huyện. Trong một lần đi công tác từ Hà Nội về, năm 2013, Blúi nãy ra ý tưởng này. Lập tức được thường vụ thông qua, ban hành nghị quyết và triển khai ngay. Ban đầu chỉ đánh số nhà cho tiện việc sắp xếp dân cư, quản lý hành chính. Nhưng sau đó, chúng tôi huy động cả ngành công an, tư pháp, lao động thương binh xã hội, địa chính… vào cuộc. Từ tên tuổi, tài sản, sổ đỏ, đất rừng, thành phần kinh tế, đối tượng chính sách… đều được nhập vào máy tính. Không chỉ tiện lợi cho quản lý nhà nước mà còn giải quyết nhanh chóng các thủ tục, cải cách hành chính nhanh gọn.
Đến huyện miền núi vùng biên giới với gần 100% dân số đều là người Cơ Tu, nhưng không nghe nói đến đói nghèo, nhà tạm. Cán bộ không còn âu lo chuyện sạt lở núi, vùi lấp nhà, chết dân mỗi mùa mưa. Ngược lại, người ta bàn đến chuyện xây dựng những thương hiệu du lịch đặc sắc cho Tây Giang. Sau khi phát hiện ra rừng di sản Pơ Mu có hàng ngàn năm tuổi, Tây Giang lại vừa tìm thấy cả trăm héc ta rừng Đỗ Quyên cổ trên đỉnh Chơ’ Lang cao 2.000m. Không chỉ có hoa to, nhiều màu sắc lạ mà thân rễ Đỗ Quyên cổ còn rêu phong, cổ dị, đẹp đến choáng ngợp. Tất cả vốn quý của núi rừng Trường Sơn này đang được huyện Tây Giang lập hồ sơ di sản, chuẩn bị khai thác du lịch. Khi biết tận dụng thành tựu của khoa học công nghệ, thông tin… để quản lý thì chắc chắn chính quyền sẽ “rảnh tay” để nghĩ đến những điều tốt đẹp, hướng những ý tưởng đến việc phát triển bền vững, sung túc hơn cho dân mình.