Vào thế kỷ XVII, tại làng Ca Klaing (làng Mỹ Nghiệp), làng dệt thổ cẩm truyền thống nổi tiếng của người Chăm ở Ninh Thuận (thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), có bà Pơnaga, nghệ nhân đầu tiên tạo ra nghề dệt thổ cẩm. Bà đã truyền lại nghề cho hai vợ chồng ông Xa và bà Chaleng phát triển thành làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp ngày nay.
Theo nghệ nhân Hán Thị Chiền, 67 tuổi, ở làng: Dệt được một tấm vải thổ cẩm phải qua nhiều công đoạn hết sức công phu: Tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm dập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống… Việc chọn màu nhuộm vải cũng là một nghệ thuật của những bậc nghệ nhân cao niên làng nghề. Để có màu vải đẹp, trai tráng trong làng phải vào rừng sâu, núi thẳm tìm: Mủ cây cánh kiến nhuộm tấm thổ cẩm cho ra màu đỏ; lá chum bầu cho ra màu đen; còn màu xanh thì phải chọn lá, vỏ cây chàm… Sau đó phối màu để tạo được những hoa văn tinh xảo. Ngoài ra, dập vải cũng là khâu quan trọng, phải làm đều tay, nếu không vải sẽ không căng mịn và khó nổi bật hoa văn.
Với bàn tay khéo léo của người thợ dệt, óc thẩm mỹ cùng sự am tường về đường nét, màu sắc, hình khối…, các nghệ nhân biến những sợi chỉ nhỏ li ti trở thành những mảnh thổ cẩm có màu sắc hài hòa, trang nhã. Thổ cẩm ở đây được dệt từ những chiếc máy thủ công truyền thống, vẫn giữ được gần như nguyên vẹn từng công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn từ cha ông thời xưa để lại.
Nếu trước kia chỉ có hoa văn cổ, thể hiện sự quý phái, sang trọng: “Văn thần đèn”, “Siva”, “Rồng trời” hay “Văn cổ”… thì ngày nay, sản phẩm thổ cẩm truyền thống phong phú, đa dạng về màu sắc, kiểu dáng, hoa văn mới lạ: “Văn con voi”, “Văn hoa mai”, “Văn cầu vồng”… Hiện nay, hàng thổ cẩm ngày càng được khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng nên nghệ nhân trong làng sản xuất thêm: Túi xách, ví, cà-vạt, ba lô... bằng thổ cẩm để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp đã đạt nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và được khách hàng khắp nơi biết đến. Nhiều nghệ nhân còn được tham dự các hội chợ, triển lãm, đi trình diễn nghề dệt ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Pháp… Bằng tài năng và lòng yêu nghề, những người thợ dệt nơi đây đang làm hồi sinh nghề truyền thống mà cha ông đã gây dựng và phát triển qua hằng thế kỷ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho làng nghề Mỹ Nghiệp. Thổ cẩm được dệt từ máy thủ công truyền thống, vẫn giữ được gần như nguyên vẹn từng công đoạn, bí quyết, chất liệu, hoa văn… mà cha ông thời xưa để lại. Làng nghề Mỹ Nghiệp được gìn giữ và phát triển hàng thế kỷ.Sản phẩm thổ cẩm của làng Mỹ Nghiệp đã có mặt trong và ngoài nước.Túi xách làm bằng thổ cẩm được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng.Nhà trưng bày truyền thống của làng dệt Mỹ Nghiệp.
Nguồn: Baoanhdatmui