Đất Quảng Nam có nhiều di sản văn hóa do người Chăm để lại, như các mô típ kiến trúc đền tháp, các tác phẩm điêu khắc, phù điêu, giếng cổ và nhiều loại hình văn hóa phi vật thể khác... nhưng khi nghe nói đến một vườn dâu cổ thụ hơn 300 năm tuổi, thì tôi thấy hơi lạ.
Lạ nên đi tìm. Té ra không đâu xa, mà ở ngay cửa ngõ vào đô thị cổ Hội An: làng Lụa Quảng Nam của mấy anh chị em người họ Lê, từng nhiều đời trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa bên sông Vu Gia, Đại Lộc về đây gây dựng. Là một cựu sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM, vừa học vừa đi bỏ mối hàng lụa cho các shop thời trang, Lê Thái Vũ cùng mấy anh chị em đã đầu tư vào một khu đất rộng chỉ 2 ha gần 40 tỉ đồng, với ý tưởng phục hồi nghề ươm tơ dệt lụa cổ truyền xứ Quảng và hình thành một bảo tàng nghề dệt lụa.
Một công đoạn từ kén đến tơ tại làng Lụa - Ảnh: Nguyễn Sông Hàn
|
Trong lúc lội khắp các huyện đồng bằng, trung du để tìm mua các khung nhà rường cổ, các khung dệt, xa quay tơ và những công cụ cổ của nghề tằm tang, Vũ phát hiện ra những cây dâu cổ thụ của người Chăm còn sót lại trong các vườn nhà, các cánh rừng heo hút... Những cây dâu có lá hình chân chim, đường kính gốc to mà Christophoro Borri từng mô tả trong hồi ký của mình về xứ Đàng Trong hồi giữa thế kỷ 17… Thế là một vườn dâu Chăm hơn 40 gốc được hình thành thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Bên cạnh đó là những ngôi nhà cổ với các lò ươm tơ, nong kén, khung dệt và một bộ sưu tập hơn 70 loại trang phục cổ truyền, từ người Chăm đến người Kinh từ trước đến nay... Ngoài ra, còn có một khu nhà dành cho thiết kế trang phục lụa thời trang, các khung thêu, vẽ trên lụa sẵn sàng thỏa mãn nhu cầu may mặc hoặc tự trải nghiệm năng khiếu thêu vẽ của du khách trên chất liệu lụa Quảng Nam và một khu nghỉ, ẩm thực mà các món dân dã như nhộng xào, rượu dâu luôn có sẵn…
Tại Bảo tàng làng Lụa Hội An còn có một không gian trang nghiêm để thờ Bà chúa tằm tang Đoàn Quý Phi, Hiếu Chiêu hoàng hậu. Người phụ nữ hái dâu trở thành giai thoại trong tình sử với chúa Nguyễn Phúc Lan và được nhân dân tôn thờ như bà tổ nghề tằm tang vì đã có công khuyến khích nghề này tại những ngôi làng ven hai con sông lớn Thu Bồn, Vu Gia của xứ Quảng. “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung cấp cho Nhật Bản và đưa sang vương quốc Lào để từ đó người ta chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc hơn nhiều”, mô tả này của C.Borri hồi thế kỷ 17 đã cho thấy công lao của quý phi họ Đoàn, và điều quan trọng nữa là nó ẩn chứa trong đó di sản nghề tằm tang mà người Chăm trên đất Quảng để lại, trong đó có công nghệ nuôi tằm, trồng dâu độc đáo của họ…
Bởi vậy, đến làng Lụa Hội An, vào thăm vườn dâu cổ thụ hơn 3 thế kỷ và các bộ sưu tập công cụ tằm tang ở đây, nhiều người cho rằng có một truyền thống “văn hóa tơ lụa” trong di sản văn hóa Quảng Nam đã và đang hình thành. Và lạ thay, một lần nữa Hội An lại được chọn.
Nguồn : Thanh niên