Lăng mộ của vua có 103 bà vợ ở Việt Nam
Lăng Tự Đức hay Khiêm Lăng ở Huế là nơi chôn cất vị vua có thời gian trị vì lâu nhất nhà Nguyễn. Dù có 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi.
Lăng Tự Đức nằm trong một thung lũng hẹp thuộc phường Thủy Xuân, TP Huế. Công trình có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong các lăng tẩm đẹp nhất của nhà Nguyễn. Đằng trước là hồ Lưu Khiêm, được thả hoa sen tạo cảnh.
Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên lớn. Ở đây có hồ nước, rừng thông, quang cảnh nên thơ, quanh năm suối chảy, rất phù hợp với người yêu thích thi phú như vua Tự Đức.
Khiêm Cung Môn bề thế, trước cửa có nhiều cây đại được trồng hài hòa với khung cảnh.
Bên trong lăng là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây.
Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và hoàng hậu.
Ra khỏi khu vực tẩm điện, du khách theo con đường quanh co dẫn sang khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi Đình, có tấm bia bằng đá nặng 20 tấn khắc bài “Khiêm Cung Ký” do nhà vua soạn thảo.
Vua Tự Đức có 103 bà vợ nhưng không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn có gần 5.000 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình. Vua Tự Đức muốn dùng tấm bia khổng lồ đó để kể công và nhận tội trước lịch sử.
Qua Bi Đình là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng quyền uy và tài đức của nhà vua, cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.
Nằm ở chỗ sâu nhất và đắc địa nhất là khu vực mộ của vua Tự Đức, bao quanh bởi rừng thông reo ngút ngàn.
Cả một rừng thông xanh phía sau lăng vua, từ đây có thể đi sang điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, sau được dùng để thờ vong linh thái hậu Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.
VNE