Chỉ một quãng đường dài khoảng 4-5km ở P.Hàm Tiến, TP Phan Thiết (Bình Thuận), một “ngôi làng Nga” đã mọc lên giữa thiên đường resort trong vài năm gần đây. Ở đó các bảng hiệu, dịch vụ, menu...ngoài tiếng Việt đều có tiếng Nga rõ to.
|
Du khách Nga xuất hiện ngày càng nhiều ở Mũi Né |
|
Khách Nga thich đạp xe dạo biển hơn lái xe máy |
Lượng khách du lịch Nga đến Bình Thuận, theo ghi nhận, đã tăng nhanh. Chỉ riêng bốn tháng đầu năm 2010 đã có 48.200 lượt khách Nga, chiếm 37,6% tổng lượng khách nước ngoài đến đây.
Nắng ấm trốn đông dài
Anh Nguyễn Đại Lâm, chủ tiệm Tigon Spa nằm trên con đường Nguyễn Đình Chiểu độc đạo xuyên suốt Hàm Tiến, đã cải tiến dịch vụ của tiệm mình bằng cách thuê người dịch lại toàn bộ bảng giá dịch vụ sang tiếng Nga, dán chữ đậm trên cửa kính.
“Khách Nga chịu chi, chỉ cần mình làm tốt thì suốt cả mùa du lịch họ tới, không cò kè giá cả, nhưng đặc biệt rất khó chịu nếu mình... xài tiếng Anh” - anh Lâm cho hay. Tương tự, hầu hết các tiệm dịch vụ trên con đường du lịch này, thực đơn, bảng hiệu, dịch vụ... giờ đây đều có ba thứ tiếng: Việt, Anh và Nga.
Cách đây vài ba năm, người Nga bỗng nhiên trở thành đối tượng khách du lịch tập trung đông đúc nhất tại Hàm Tiến. Lúc ấy, người làm du lịch ở đây vẫn đang mặn mòi với tiếng Anh, dịch vụ quốc tế, phục vụ cả thế giới mê biển và nắng ấm. Người Nga đến. Cả con đường Nguyễn Đình Chiểu vươn vai chuyển mình thành làng Nga trong thoáng chốc.
Danila Pechenin (đến từ Matxcơva, Nga), hướng dẫn viên dù lượn tại trại Windy Sun, cho biết: “Hai năm trước tôi đến Mũi Né nghỉ vào tháng 9 và rồi quyết định ở lại đây làm việc”. Danila chỉ là một trong rất nhiều người Nga chọn Hàm Tiến làm chốn mưu sinh và xây dựng sự nghiệp. Danila đã chọn làng Nga chỉ vì “nắng ấm, không mùa đông, mùa gió dài và sự ấm áp của tình người ở đây”.
Thông thường từ tháng 9 đến đầu tháng 3 năm sau, người Nga đổ về Mũi Né đón nắng ấm và chơi thể thao dưới nước như một hình thức trú đông. Người Nga nổi tiếng ở thiên đường resort vì ít ai lưu trú dưới bảy ngày trong một chuyến đi. Nhiều đoàn khách và gia đình thậm chí ở lại để chơi lướt ván buồm, dù lượn đến cả tháng trời. Không mùa đông, gió tốt, trời đẹp và không gian trong lành, Mũi Né “lấy điểm” ngay trong mắt người Nga.
Đa số chủ cửa hàng bán đồ mỹ nghệ dọc đường Nguyễn Đình Chiểu, Hàm Tiến đều cho rằng khách Nga chịu chi nhất. “Khách Nga thích những sản phẩm trang sức bằng đá, màu sắc tươi, thích ngọc trai... đã mua là mua nhiều, rất ít trả giá” - một bà chủ sạp bán nữ trang ở đây cho hay. Thời gian lưu trú dài, sử dụng dịch vụ sang trọng nhiều và phóng tay trong mua sắm đã biến người Nga trở thành những vị khách được săn đón nhiều nhất ở thiên đường resort Mũi Né.
|
Anh Dima (người Nga) giới thiệu chương trình ca nhạc hằng đêm tại nhà hàng Déjà Vu cho những người đồng hương |
Đưa nước Nga đến gần hơn nữa
Từ cuối năm 2009, tờ Muine.ru của Công ty Tầm Nhìn Xa đã ra đời và trở thành một trong những ấn phẩm chính thức được trao miễn phí tận tay khách du lịch. Với 3.000 bản/kỳ/tháng, trình bày hoàn toàn bằng tiếng Nga, tờ tạp chí khổ nhỏ 30 trang, in màu trang trọng, cố gắng được ra đều đặn hằng tháng và được chuyển đến các nơi khách du lịch người Nga có thể chạm tay tới và hiểu thêm về Mũi Né trước khi chọn một điểm đến cho những kỳ trú đông dài trong năm.
Anh Thiện Phước, một trong những người đầu tiên tổ chức cho tờ tạp chí ra đời, cho biết: “Tụi tôi cố đưa tạp chí đến các công ty du lịch, ở cả TP.HCM và Nga, nếu dư thì phát thẳng ở sân bay quốc tế và các điểm khách du lịch tập trung đông”.
Người Nga đến đây không phải chỉ để trốn một mùa đông lạnh lẽo hay tìm cảm giác mạnh trong những môn thể thao dưới nước với gió Mũi Né. Họ đã bắt đầu một cuộc sống thật sự ở đây cùng người dân địa phương.
Chị Trần Thị Tươi, nhân viên massage ở tiệm Phương Spa khá lớn ở làng Nga, cho biết: “Chủ của tụi tôi là người Nga hùn vốn với người Việt mở”. Tiệm này được biết đến như một nơi lúc nào cũng đông khách nhất nhì làng du lịch này. Chị Tươi giải thích: “Vì chủ là người Nga nên ông ấy dẫn nhiều khách tới đây. Đặc biệt, ông ấy vừa nói tiếng Nga, vừa biết tiếng Việt chút ít nên dịch vụ khách cần thế nào là hướng dẫn tụi tôi cụ thể luôn”.
Khắp làng Nga ở Hàm Tiến, người ta dễ dàng bắt gặp bất cứ cửa hàng, dịch vụ nào đó do người Nga và người Việt hùn vốn làm chung như cách ở tiệm Phương Spa này.
Người Việt ở Hàm Tiến bây giờ cũng bắt đầu khai thác những cơ hội mới trên làng Nga của họ. Những tấm biển hiệu viết tiếng Nga dày đặc hơn, những người trẻ cố gắng học theo “tiếng Nga bồi” để giao tiếp được với khách du lịch cũng nhiều hơn. Một vài người Việt mở shop thời trang ngoài Hàm Tiến chặc lưỡi: “Ở Phan Thiết không có các trung tâm dạy tiếng Nga nên ai muốn học đều tự bập bõm học từ khách du lịch!”.
Những quán ăn, quầy bar chưng thêm một cô búp bê matroska, một bức ảnh mái vòm cong của tòa nhà trên quảng trường Đỏ. Vài nhà hàng có thêm những giọng ca ngân lên những lời nhạc tình tứ của Chiều Matxcơva hay Đôi bờ bằng tiếng Nga thật sự. Thiên đường resort thêm một lần nữa đang chuyển mình mạnh mẽ đón một làn gió thay đổi thật sự đến từ xứ sở “triệu đóa hoa hồng”.
Khách Nga đến sẽ còn tăng
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, trong vài năm gần đây lượng khách Nga đến Bình Thuận tăng lên rất nhanh với tốc độ tăng trưởng 20-30%/năm. Theo số liệu của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bình Thuận, năm 2009 có 57.000 lượt khách Nga đến tỉnh này du lịch nghỉ ngơi, chiếm 25,7% tổng lượng khách nước ngoài đến tỉnh. Chỉ trong bốn tháng đầu năm 2010 đã có 48.200 lượt khách Nga, chiếm 37,6% tổng lượng khách nước ngoài đến đây.
Bà Hoàng Thị Phong Thu - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Lanta Ánh Dương Travel (Mũi Né), một trong những công ty du lịch chuyên khai thác thị trường khách Nga - cho biết phần lớn khách Nga đến VN qua các chuyến bay thẳng thuê nguyên chuyến (charter) từ Nga sang. Trong năm 2009 trung bình 11 ngày công ty đón một đoàn charter, nhưng từ đầu năm 2010 công ty đón hai chuyến/tuần và mùa cao điểm công ty đón khách cũng vừa kết thúc ngày 10-5.
Bà Thu cho biết khách Nga đến rất đa dạng, lúc thì cả gia đình lúc thì nhóm bạn nhưng có khá nhiều khách quay lại sau khi đã đến Bình Thuận.
Các công ty lữ hành cho biết khách Nga trước kia thường chọn Thái Lan và các quốc gia khác trong khu vực để nghỉ mát, tránh đông. Thời gian gần đây, nhiều hãng hàng không của Nga có các đường bay thẳng đến VN cộng với các thông tin quảng bá của du lịch VN, Bình Thuận... nhiều hơn đã khiến nhiều khách Nga chọn VN làm điểm đến thay thế. Ông Khoa cho biết đã xuất hiện nhiều nhà hàng bán đồ ăn Nga mà chủ thật sự của những nhà hàng này là người Nga hoặc Việt kiều Nga để phục vụ lượng khách Nga đang kéo đến ngày một nhiều.
Dự báo sắp tới khách Nga đến Mũi Né sẽ còn tăng, nhưng hiện tại nguồn nhân lực biết tiếng Nga có tay nghề để phục vụ lượng khách này đang là vấn đề làm đau đầu các doanh nghiệp. Hiện nhiều doanh nghiệp du lịch, resort đã chủ động tìm những người từng học, làm việc ở Nga, người Nga đang làm việc ở VN... đến làm việc, thêm tiếng Nga vào các thông tin, thông báo, tờ rơi, website để chào mời du khách. |
Nguồn : Tuổi Trẻ