Chạy dọc trên con đường nội ô thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân), An Giang vào buổi sáng sớm mới có thể cảm nhận hết hương vị thơm lừng của mùi bánh phồng xứ đạo.
Phơi bánh phồng ở làng nghề bánh phồng Phú Mỹ |
Hương nếp mới ngan ngát từ những bếp nhà ven hai bên đường quyện cùng chút hanh hanh của buổi sớm mai, mang đến một mùi hương rất đặc trưng không lẫn vào đâu được của làng bánh phồng Phú Mỹ.
Theo nhiều cụ cao niên ở đây cho biết, từ khi người dân biết trồng nếp thì cái bánh phồng cũng bắt đầu xuất hiện, đến nay cũng ngót gần 100 năm. Qua bao nhiêu thăng trầm, đổi thay của thời gian, chiếc bánh phồng vẫn gắn với hạt nếp Phú Tân, gắn bó với cuộc sống của người dân xứ cù lao chân chất, nghĩa tình.
Chỉ riêng làng bánh phồng ấp Thượng 3, mỗi năm có thể sử dụng khoảng 1.000 tấn nếp để chế biến hàng vạn chiếc bánh phồng các loại. Làng nghề hiện có trên 50 cơ sở làm bánh, giải quyết việc làm thường xuyên khoảng 300 lao động. Trong đó, các hộ nổi tiếng có truyền thống làm bánh phồng là gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm...
Chị Hà Thị Sen, người đã có mấy chục năm gắn bó với nghề làm bánh phồng cho biết, bánh phồng Phú Tân bây giờ không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh mà còn bán sang các tỉnh, thành phố khác kể cả nước bạn Campuchia.
“Hôm bữa, có đoàn khách nước ngoài tới đây. Họ nghe nói bánh phồng Phú Tân đặc biệt nên tham quan. Mấy ổng cứ trầm trồ, rồi chụp hình lia lịa cảnh làm bánh. Ra về, ai cũng mua mấy bịch để làm quà”, chị kể.
Đối với nhà chị Sen cũng như hàng chục hộ dân ở ấp Thượng 3 này thì nghề làm bánh phồng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Làm loại bánh này không đòi hỏi kỹ thuật tay nghề cao, nhưng cần ở lòng yêu nghề, thiết tha với loại bánh mộc mạc, dân dã.
Thế mới thấy, trước sự xuất hiện của rất nhiều sản phẩm bánh ta, bánh Tây… nhưng chiếc bánh phồng vẫn giữ nguyên giá trị của nó, bởi hương vị đặc trưng, độc đáo không lẫn vào đâu được.
Tuy vậy, làm bánh phồng cũng khá công phu. Từ 12 giờ khuya, thợ làm bánh bắt đầu lục đục thức dậy nhóm lò nấu bếp. Chị Sen kể, nếp làm bánh phải là loại đẹp, ít lẫn gạo thì đem nướng mới phồng, mới ngon. Sau khi lựa sạch đem ngâm từ 3- 4 đêm cho mềm rồi cho ra thúng để ráo.
Lại cho vào thùng lớn rồi đổ nước ngập ngâm. Sau đó, mới cho ra thúng để ráo rồi đem nấu, rồi quết, rồi vắt thành bột vừa tay để cán bánh. Trước đây, người làm bánh quết bột bằng chày tay, nay đã có máy kéo chày thay thế nên người làm bánh đỡ nhọc công và sản phẩm được cải thiện rõ nét cả về chất lượng lẫn số lượng.
Chiếc bánh sau khi làm xong được dán từng cái lên chiếu trông khá đẹp mắt, sau đó đem phơi ngoài nắng tốt. Canh chừng khi nào bánh khô thì trở bề cho bánh ráo đều. Lại đem vào nhúng nước đường mía, rồi mang ra phơi lần nữa…
Trung bình mỗi ngày, nhà chị Sen làm trên 4.200 bánh phồng các loại, tương đương 10 ổ bánh được chế biến từ 100kg nếp. Những ngày giáp Tết, lượng bánh làm ra nhiều hơn, có khi gấp 3, 4 lần ngày thường.
Bánh phồng Phú Mỹ được người tiêu dùng ưa chuộng nên làng nghề phát triển mạnh và sản xuất quanh năm, nhộn nhịp nhất là tháng giáp Tết. Những kỳ hội chợ hay triển lãm tại An Giang, Cần Thơ hoặc TP. Hồ Chí Minh, bánh phồng Phú Mỹ đều có mặt trong gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản của An Giang. Làng bánh phồng Phú Mỹ đã được UBND tỉnh An Giang công nhận làng nghề truyền thống vào cuối năm 2006.
Không chỉ góp phần ổn định kinh tế hộ gia đình, làng bánh phồng Phú Mỹ còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương, với thu nhập từ 1,2- 1,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khó khăn nhất của người làm bánh phồng chính là đồng vốn.
“Mỗi chiếc bánh làm ra tốn khá nhiều công sức qua nhiều công đoạn nhưng không lời nhiều. Một bịch 50 bánh giá chỉ 30.000- 40.000 đồng đối với bánh nướng và 40.000 đồng đối với bánh sữa. Tụi tui mua nguyên liệu làm bánh theo kiểu gối đầu, khi nào bán bánh có tiền mới trả cho đại lý… nên cứ thiếu trước hụt sau.
Nếu Nhà nước có phương án hỗ trợ vốn để anh em chúng tôi phát triển nghề thì sẽ tốt lắm”, một người dân chia sẻ.
(Nguồn: Báo An Giang)