Xưa kia có câu hò đố của các thôn nữ Bến Tre: “Hò ơ… ơ… Nghe anh đi đó đi đây, em thử đố câu này: Bánh phồng, bánh tráng đất này, đâu ngon… ơ… ơ…”. Anh trai mau miệng đáp: “Hò… ơ… ơ… Nghe em đố tức anh nói phứt cho rồi. Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, măng cụt Hàm Luông vỏ ngoài nâu trong trắng tựa bông gòn. Anh đà đáp đặng sao em còn so đo… ơ… ơ…”.
“Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” là câu nói đầu môi chẳng riêng gì của người Bến Tre. Sơn Đốc cách Mỹ Lồng chừng chục cây số. Tới ngã ba Sơn Đốc, cũng như gần tới Mỹ Lồng, thấy hai bên đường đầy những giàn phơi bánh cùng hàng quán treo bánh bán dọc hai bên đường. Hai làng nghề này nổi tiếng đã hàng trăm năm nay.
Trời hửng sáng, chúng tôi rời trung tâm thành phố Bến Tre, theo con đường Nguyễn Đình Chiểu bon bon trên tỉnh lộ 885 đi về phía cuối biển tỉnh Bến Tre. Qua cầu Chẹt Sậy, dầy đặc hai bên đường những giàn phơi bánh tráng, ai nấy đều biết là xe đang đi qua làng bánh tráng Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm.
Chúng tôi ghé vô nhà bà Mẫu Đơn, gặp lúc cô con dâu bà đang đập dừa khô rót nước dừa vô thau rồi cạy cơm dừa để trong cái thau khác. Cô cho biết cơm dừa nạo lấy nước cốt hòa bột tráng bánh, nước dừa bán người ta nấu thạch dừa. Cô nói mẹ chồng cô đang tráng bánh phía sau bếp, mời chúng tôi vô coi.
Bà Đơn năm nay 60 tuổi, người mập mạp khỏe mạnh, đang ngồi bên chiếc bếp nóng hừng hực lửa, luôn tay vừa giở nắp vung vừa gỡ bánh chín dán lên liếp, cầm gáo bột tráng lên mặt vải trắng căng thật phẳng vừa đậy nắp vung lại. Bà làm tất cả các động tác này hết sức thuần thục, gọn gàng và mau lẹ, đủ thời gian cho một chiếc bánh ra lò. Mỉm cười chào chúng tôi, bà gỡ mấy cái bánh vừa mới tráng tỏa hơi nóng nghi ngút cuốn thành hình chữ nhựt đặt lên dĩa mời chúng tôi “dùng thử cho biết”. Bánh tráng nước cốt dừa dịu mềm béo ngọt thơm mùi mè, khoái khẩu.
|
Về Mỹ Lồng đi đâu cũng bắt gặp cảnh phơi bánh tráng nước cốt dừa. |
Bà Đơn cho biết ở ấp Nghĩa Huấn này (xã Mỹ Lồng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) có khoảng 50 gia đình làm bánh tráng, mùa gần tết thì tăng lên cả trăm nhà. Gạo làm bánh bà mua của thương lái từ Trà Vinh đem qua. Phải là gạo sỏi (hột tròn, lúa mùa; xưa kia là gạo Nàng Keo, Bảy Đảnh) của Trà Vinh mới làm được chiếc bánh ngon.
Ngày thường, bà dậy từ 3 giờ sáng làm liên tục tới 10 giờ. Mùa làm hàng tết, bà dậy sớm hơn một tiếng. Ngày thường, bà Đơn tráng được 500 bánh, mùa tết bà tráng tới 1.000 bánh mỗi ngày. Có hai loại bánh: bánh thường chỉ có nước cốt dừa, bánh đặc biệt thì ngoài nước cốt dừa còn thêm sữa đặc có đường, lòng đỏ hột gà, mè. Bánh tráng xong dán lên liếp, chồng bà đem liếp ra sân phơi trên những cái giàn thấp ngang gối. Bánh phơi chừng năm tiếng đồng hồ thì đem vô xếp chồng lên để im; tối đem phơi sương, khi bánh mềm tay thì gỡ (không bị bể, tránh hao hụt) rồi cột thành xấp (20 hoặc 50 bánh). Một xấp 100 bánh bán giá từ hai trăm, ba trăm hay bốn trăm ngàn đồng, tùy loại mỏng, dầy, bánh thường hay bánh đặc biệt.
Công việc tráng bánh nối nghiệp nhà chồng giúp bà nuôi bốn người con trưởng thành, có công ăn việc làm, nên bề gia thất. Hỏi bà có người con nào theo cái nghề nổi tiếng của đất Mỹ Lồng này không, bà cười lắc đầu: “Cực quá, hổng đứa nào thèm. Tui già rồi ráng làm vì quen nghề, chớ ngồi hơ nóng như vầy tổn thọ lắm, dù có quạt máy phía sau lưng”.
Cách không xa nhà bà Mẫu Đơn, chợ Mỹ Lồng nổi tiếng với hai món điểm tâm là cháo lòng và hủ tiếu. Chính vì vậy mà chúng tôi cố gắng đi sớm để được thưởng thức một trong hai món ngon này. Hủ tiếu Mỹ Lồng nổi tiếng nhứt là tiệm Cảnh Phụng. Ông Cảnh và vợ là bà Phụng giờ đã 80 tuổi không còn bán nữa. Bù lại dọc hai bên đường, hai bên nhà lồng chợ có nhiều quán trương bảng bán hai loại điểm tâm này, chúng tôi bước đại vô một quán.
Dù không được “chánh gốc Cảnh Phụng” nhưng món ngon Mỹ Lồng quả thiệt “danh bất hư truyền”. Chỉ dòm tô hủ tiếu (hoặc tô cháo) là đã “no mắt” với nào là bao tử, gan, thịt heo luộc, miếng nào miếng nấy xắt dầy cộm, cắn ngập răng, ngọt lịm. Lại còn miếng chả tép chiên vàng, giòn rụm khi cắn và nhai, sợi hủ tiếu mềm, ngọt béo vì thấm đẫm tinh chất lòng heo, đê mê khẩu vị. Húp một muỗng nước lèo, ngọt ngon y như vậy, lại còn hưởng mùi thơm của củ hành tím và tỏi nướng.
|
Bánh phồng Sơn Đốc, Giồng Trôm, Bến Tre. |
Làng bánh phồng Sơn Đốc ở ấp 2, xã Hưng Nhượng (Sơn Đốc xưa), huyện Giồng Trôm, có cả trăm lò làm bánh phồng. Anh Nguyễn Ngọc Thảo, 31 tuổi, nối nghiệp nhà vợ làm nghề này. Anh cho biết bánh làm bằng nếp sáp (lúa mùa) ngâm nước máy (ngâm nước mưa bánh bị chai) từ tối hôm trước. Một giờ khuya anh thức dậy gút sạch nếp, nấu xôi rồi đem tới lò quết máy. Cứ 10 lít xôi, người quết ăn 12.000 đồng. Người ta vừa quết xôi vừa từ từ vô nước cốt dừa.
Bánh phồng có khá nhiều loại, thường thì trộn dừa và hành, chính vì vậy mà khi bước vô sân phơi nhà anh Thảo chúng tôi nghe phất mùi hành lá thơm quyến rũ. Bánh mặn làm với tôm, tép. Bánh ngọt trộn đậu xanh, mít… Bột quết xong đem về, anh Thảo ngoài tự tay làm còn mướn thêm thợ cán, cứ 10 lít nếp (1 thau) ăn công 30.000 đồng. Người ta ngắt từng cục bột, cân đúng liều lượng rồi cán bằng tay. Điêu luyện hàng nhiều chục năm nên thợ cán cái bánh nào cũng dầy và tròn y như nhau dù không có khuôn. Đặc biệt ở Sơn Đốc có một gia đình cán bánh bằng máy.
Ngày thường, anh Thảo làm 30 lít nếp, cho ra 600 bánh. Ngày tết anh làm trên 100 lít nếp. Giá 180.000 đồng/trăm bánh. Bánh phồng Sơn Đốc loại nào cũng ngon, nướng than là số một, còn nướng lò vi ba, lò bánh mì ăn kém hơn một chút nhưng vẫn thơm lừng, ăn vừa giòn vừa béo vừa ngọt vừa bùi vừa xốp. Cũng như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc được vô bọc từng chục hoặc từng trăm, chẳng có nhãn hiệu gì hết mà bán ra nước ngoài cũng chạy hàng.
Nguồn : SGT