Dù chưa phải là một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất Việt Nam nhưng Quy Nhơn lại có vẻ đẹp hoang sơ, thuần phác dễ làm say đắm lòng người.
Yên bình làng chài Nhơn Lý
Nhơn Lý là một xã bán đảo nằm cách xa thành phố Quy Nhơn khoảng chừng 30km. Người dân ở đây sống nhờ vào biển cả. Những ngôi nhà ở làng Nhơn Lý được xây dựng khá lâu đời với các con đường nhỏ ngoằn ngoèo dễ khiến ta liên tưởng đến phố cổ Hội An hay Hà Nội. Nhờ du lịch phát triển đã giúp giao thông và đường xá thuận tiện hơn. Thế nhưng, dù cho thế nào đi nữa, những nếp nhà, con hẻm nhỏ nơi đây vẫn cổ kính và yên bình bên cạnh vẻ nhộn nhịp ở Eo Gió hay Kỳ Co.
Khu vực Eo Gió ở làng Nhơn Lý là một eo biển được bao quanh bởi hai dãy núi vòng cung với vô vàn vách đá hùng vĩ. Ở đây bạn có thể leo lên mỏm đá cao để nhìn về làng chài Nhơn Lý bên kia núi hay đi dạo dọc con đường tam cấp mới được xây dựng với hàng rào vây quanh. Hay bạn cũng có thể lựa một phiến đá to để ngồi ngắm sóng đánh trắng xóa vào bãi Đá Đẻ.
Biển Kỳ Co đẹp mê hoặc lòng người
Nhìn từ xa, bãi biển Kỳ Co thực sự tạo ấn tượng mạnh mẽ trong mắt du khách với bãi cát trắng thoai thoải mịn màng ôm lấy làn nước xanh màu ngọc bích, nằm kẹp giữa những dãy núi đá lớn. Từng cơn sóng xô trắng xóa vào bãi cát tạo nên cảnh tượng kỳ vĩ. Ở đây, khi chỉ có trời, núi và biển, thiên nhiên mênh mông bát ngát, còn gì hơn là nằm dài trên cát, ngâm mình trong làn nước mát lành hoặc lặn ngắm san hô và những đàn cá đủ màu sắc. Khoảnh khắc này bạn sẽ khó thể nào quên được.
Nếu bạn là những người ưa thích khám phá và có chút mạo hiểm, đừng quên ghé tham quan bãi đá Ông Địa, nằm tách biệt khỏi bãi chính. Đường ra bãi đá Ông Địa ở Kỳ Co không hề dễ dàng, nhất là dành cho những người không giỏi bơi, bởi bạn phải lội qua chỗ nước sâu gần ngang đầu người. Bạn phải đi đến cuối bãi cát khá dài của Kỳ Co, sau đó bơi khoảng hơn 100m mới ra đến nơi. Suốt đoạn đường đó, thỉnh thoảng lại có vài đợt sóng. Tốt nhất, để an toàn vượt qua đoạn “trắc trở” này, bạn nên dùng áo phao và bảo quản những đồ dùng điện tử.
Bãi đá Ông Địa là tên gọi của người địa phương, do trước kia ở đây có một tảng đá hình thành từ tự nhiên, có hình thù giống Ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền. Đầu tiên, một vài người dân sinh sống ở đó cho rằng đây là “Ông Địa” mà Trời ban tặng, họ bắt đầu lập am, thắp nhang để cầu tài lộc, buôn may bán đắt. Hiện tại, tảng đá “Ông Địa” đã không còn nữa mà chỉ còn tượng đá hình Ông Địa do người dân ở đây tạc lại và xây dựng thành am. Nằm lọt thỏm giữa vách núi cao là một bãi cát nhỏ mịn màng, hoàn toàn sạch sẽ, nước trong veo. Ngoài bơi lội, những hôm nhiều gió bạn cũng có thể thử nhảy sóng hay leo lên vách đá cao thử sức mình bằng những cú bật santo hoàn hảo xuống biển. Một cảm giác mà không phải nơi nào, lúc nào cũng có thể đem lại được.
So với nhiều biển đảo khác ở Việt Nam, Kỳ Co là một bãi biển đẹp, còn khá hoang sơ, sạch sẽ và yên tĩnh. Nhìn từ trên cao, cảnh tượng Kỳ Co thật kỳ vĩ và nên thơ, khiến bạn dễ lầm tưởng đang lạc vào một hòn đảo ở tận Maldives xa xôi, thiên đường cho những cặp đôi đến hưởng tuần trăng mật và ghi nhớ tình yêu ngọt ngào.
Hương vị ẩm thực miền Trung
Những món ăn trứ danh của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định mà bạn không thể chối từ khi đến đây:
+ Cháo lòng bánh hỏi
Cháo lòng bánh hỏi là một món ăn sáng dân dã với người dân không chỉ tại thành phố Quy Nhơn mà nhiều huyện xung quanh thuộc tỉnh Bình Định. Khác với món cháo lòng tại các địa phương khác, người dân Bình Định thường để lòng và cháo riêng. Tô cháo cũng nhỏ hơn những nơi khác, hạt gạo to, bát cháo nhiều nước hơn, có kèm theo cả hành khô và tiêu dậy vị cay.
Một mâm bánh hỏi cháo lòng điển hình sẽ có một đĩa lòng, đĩa bánh hỏi, bát cháo, đĩa rau sống, nước mắm chấm và bánh tráng. Bánh hỏi ở Quy Nhơn cũng có phần khác biệt với độ mỏng vừa phải, hơi dai và ăn thơm mùi gạo. Nước mắm thường là mắm nguyên chất, không pha chế gì ngoài cho thêm ớt tươi.
+ Bún chả cá:
Bún chả cá là món ăn đặc trưng của nhiều tỉnh duyên hải miền Trung. Tuy nhiên, mỗi nơi bún chả cá sẽ mang một phong vị khác nhau và bún chả cá Quy Nhơn cũng không phải ngoại lệ.
Chả cá được chế biến từ phần thịt của những con cá tươi như cá thu, cá thửng, cá mối, cá rựa, cá chuồn, trộn với gia vị còn nước dùng thì được ninh từ xương cá, khi ăn có kèm theo rau xanh, hành, thì là, rau bắp chuối, rau muống chẻ.
+ Bánh xèo tôm nhảy
Nhắc đến đặc sản Quy Nhơn, người ta không thể không nhắc tới món bánh xèo tôm nhảy trứ danh.Điểm khác biệt trong món bánh xèo tôm nhảy ở Quy Nhơn xuất phát từ chính những nguyên liệu. Bột gạo làm bánh được làm từ gạo ngon của mùa cũ, bột gạo nở vừa rồi đem ngâm với muối qua đêm, sáng hôm sau được người chế biến xay sớm, tôm to đều, còn tươi, khi đổ bánh nhảy tanh tách nên nó mới có tên "bánh xèo tôm nhảy".
Các loại rau ăn kèm với bánh xèo cũng đa dạng: Xoài xanh, dưa chuột, rau cải, dứa và đặc biệt là cải mầm - thứ rau ăn kèm ít thấy ở những loại bánh xèo khác.