Nếu như làng Việt cổ ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) mang dáng dấp đặc trưng của vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, thì làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) lại còn khá nguyên vẹn những yếu tố gốc của làng cổ vùng văn hóa Huế và miền Trung.
Đây là ngôi làng thứ 2 của Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Lễ công bố quyết định quan trọng này diễn ra song song với "Festival nghề truyền thống Huế - 2009" (ngày 13/6/2009), mở ra cơ hội phát triển mới cho Phước Tích.
Khác với những ngôi làng ở miền Trung cát trắng, làng Phước Tích nằm bên dòng sông Ô Lâu xanh mát với lịch sử ngót 500 năm. Làng còn 27 nhà rường hơn trăm năm tuổi, tập trung chủ yếu ở xóm Đình. Xóm Đình đẹp như bức họa cổ. Ngõ xóm thẳng tắp, sau những chiếc cổng xưa cũ vẫn là hai hàng chè tàu dẫn vào sân gạch và một ngôi nhà rường lặng lẽ phía sau bức bình phong. Đầu làng có văn miếu thờ đức Khổng tử và các vị hiền nhân, cuối làng có miếu Đôi thờ ngài Khai canh và ngài Bổ nghệ (ông tổ nghề gốm của làng), giữa làng là ngôi miếu thờ các vị thần linh, tương truyền được xây dựng trước khi lập làng.
Về kiến trúc, làng Phước Tích như một bảo tàng về di sản văn hóa vật thể của làng quê với 17 nhà thờ, trong đó có 10 nhà là nhà rường và còn lưu giữ đầy đủ gia phả, hương án, mộc chủ của dòng họ mình cùng với hoành phi câu đối từ khi thành lập đến nay. Bên cạnh đó là hàng chục đình, chùa, miếu phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng có dấu tích của nền văn hóa Chăm cổ. Đây chính là những thiết chế tổ chức làng Việt…
Nguồn: website Phước tích