Thoạt nghe cái tên Làng Sông, hẳn bạn sẽ nghĩ ngay tới một ngôi làng nằm bên dòng sông thơ mộng, êm đềm? Kỳ thực đây là chủng viện nằm giữa màu xanh non ruộng đồng vùng Phước Sơn.
|
Tiểu chủng viện Làng Sông nằm giữa một cánh đồng lúa xanh non, trên một gò đất khá cao xã Phước Sơn |
Một chuyện khá hi hữu là khi trùng tu dòng chữ trên cổng, người ta đã sửa lại theo cách phát âm của người địa phương, chữ “Làng” chuyển thành “Lòng”, và hệ quả đến nay cái tên tiểu chủng viện Lòng Sông vẫn được nhiều người quen gọi. Trong bài viết này, xin được gọi đúng tên: tiểu chủng viện Làng Sông Quy Nhơn.
Men theo con đường bêtông từ ngã ba thôn Tân Thuận, xã Phước Thuận khoảng 3km, chúng tôi đặt chân tới cánh đồng lúa rộng mênh mông của xã Phước Sơn. Nổi bật giữa màu xanh non lá mạ là những lùm cây cổ thụ ôm trọn kiến trúc chủng viện Làng Sông. Ấn tượng phía trước cổng là một con đường uốn cong như sừng trâu. Nếu đứng từ trên cao, du khách có thể tưởng tượng đến hình của một chiếc mỏ neo hay một cây đinh ba sừng sững và uy nghiêm do tạo hóa ban tặng.
Trong tác phẩm Xứ đàng Trong năm 1621, nhà truyền giáo người Ý Cristophoro Borri kể lại chuyện ông được viên quan trấn thủ Quy Nhơn hỗ trợ xây dựng những nhà thờ để truyền đạo. Từ đó, những công trình kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu đã có mặt rất sớm ở mạn Đông Tuy Phước. Và tiểu chủng viện Làng Sông, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định là công trình nhiều tuổi và nguyên vẹn nhất tồn tại đến nay. |
Dòng chữ “Tiểu chủng viện” nằm chót vót trên cánh cổng đã nhuốm màu thời gian như vật chứng sót lại sau những thăng trầm, hưng thịnh của một “ngôi trường” từng đào tạo các chủng sinh và tu sĩ Công giáo.
Sau cánh cổng là hai hàng cây sao xanh mướt, vườn cỏ lau ngút ngàn dẫn lối tới một nhà thờ trang hoàng với lối kiến trúc Bồ Đào Nha. Một điều lạ là chính người dân Phước Sơn cũng không rõ khu thánh đường này được xây dựng từ khi nào. Manh mối duy nhất từ sử liệu Giáo phận ghi lại “Ngày 14-1-1964, chủng viện Làng Sông đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm thành lập”.
Tuy nhiên, lại có sử liệu cho rằng năm 1850 hai chủng viện Làng Sông và Mương Lở (Bình Định) đã có 60 chủng sinh. Như vậy, tính đến nay chủng viện Làng Sông ít nhất đã trên 160 năm lịch sử.
Đúng tính chất một chủng viện, nằm đối xứng với thánh đường là hai tòa nhà xưa dành cho các tu sinh. Cả khu chủng viện nằm giữa một gò cao với gần 30 cây sao xanh cổ thụ đã tạo nên không gian trầm mặc, cổ tích. Chính diện thánh đường mang đậm kiến trúc Gothic với những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí và những hoa văn họa tiết, cổng vòm nhọn đậm lối kiến trúc thánh đường. Trải qua hơn 160 năm, tiểu chủng viện Làng Sông vẫn gần như còn nguyên vẹn với những cầu thang gỗ, khung cửa được điêu khắc tỉ mỉ và đẹp mắt.
Dãy nhà chủng sinh được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu Pháp, tường phủ vôi vàng, khu hành lang thăm thẳm và những hàng cột tăm tắp, cửa vòm cách điệu ở bancông. Thú vị hơn khi phía trước dãy nhà là những tán lá sao và khu vườn cỏ lau đong đưa theo gió.
Năm 1983, chủng viện Làng Sông ngừng hoạt động, nhưng ngày nay vẫn còn những tu sĩ trông coi thánh đường và săn sóc vườn cây, thảm cỏ. Nhờ vậy, tổng thể khu kiến trúc cổ này không hề có sự hoang tàn, trái lại còn nguyên vẹn, ngăn nắp và sạch sẽ.
Những buổi chiều về, khi mặt trời dần tắt nắng, du khách có thể dạo bộ, nghỉ ngơi để đôi chân và bàn tay cảm nhận dấu tích trăm năm từ những bờ tường sẫm màu gạch cổ, những đường nét hoa văn chạm trổ trên cánh cửa gỗ hay những bậc thang lên lầu tĩnh mịch…
|
Toàn cảnh con đường và mặt trước tiểu chủng viện Làng Sông |
|
Con đường cong cong hữu tình dẫn vào chủng viện |
|
Hàng cây sao xanh thẳm dẫn lối vào chính diện thánh đường Làng Sông |
|
Có cả thảy 14 cây sao đối xứng, dẫn lối từ cổng đến thánh đường Làng Sông |
|
Chính diện nhà thờ Làng Sông mang đậm lối kiến trúc Bồ Đào Nha |
|
Cầu thang gỗ dẫn lên lầu 2 nhà thờ |
|
Chính diện thánh đường mang đậm kiến trúc Gothic với những khung ô đối xứng, các bông gió trang trí và những hoa văn họa tiết, vòm mái |
|
Khu vườn cỏ lau ngút ngàn và hàng cây sao xanh thẳm của chủng viện |
Nguồn : Tuổi trẻ