Toạ lạc ngoài cánh đồng làng Vân Cẩm - xã Đông Lỗ (Hiệp Hoà) có một công trình kiến trúc lăng đá được xây dựng chủ yếu bằng chất liệu đá ong cổ kính.
Nhìn từ xa giống như một viên ngọc nổi trên một bàn thạch ở giữa cánh đồng. Đó là lăng Vân Cẩm, nơi thờ phụng ông Nguyễn Hạnh Thông, một vị quan lớn từng giữ chức Thượng tướng quân, Thị nội giám, Tư lễ giám, Tổng Thái giám dưới triều vua Lê chúa Trịnh.
Theo tư liệu ghi chép của dòng họ Nguyễn ở Vân Cẩm và các tư liệu Hán Nôm trên văn bia ở khu lăng, Nguyễn Hạnh Thông người làng Vân Cẩm (Hiệp Hoà). Ông sinh vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, làm quan dưới triều vua Lê - chúa Trịnh (những năm 1720 đến 1771), thọ gần 70 tuổi, khi mất được mai táng tại lăng Vân Cẩm. Hiện dòng họ Nguyễn làng Vân Cẩm vẫn cúng giỗ ông vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm. Nguyễn Hạnh Thông vốn là người có tiếng thơm ở trong triều đình, công danh vinh hiển. Ông luôn lấy sự nhân nhượng để tiếp đãi với người, lấy ơn huệ để ban cho đời, trừ diệt điều ác, thương xót những người cô quả, làm nhiều điều thiện nên mọi người ai cũng kính nể tôn ông làm hậu Thần. Sinh thời, ông đã lấy tiền ruộng của mình ban cho dân làm ruộng hậu, ruộng thờ cúng nên ông được dân thờ phụng mãi mãi. Khi làm quan tới tuổi già, ông xin về hưu trí ở thôn Vân Cẩm, ông cho thợ đẽo đá, làm lăng bên bờ sông Nhị, quay hướng đông bắc - lăng lấy tên là "Nguyễn Tộc Từ". Tấm bia đá tròn ở lăng Vân Cẩm ghi rõ năm 1771 xây dựng Từ vũ (lăng đá).
Toàn bộ khu lăng Vân Cẩm được xây dựng trên một khu đất hình chữ nhật dài 31m, rộng 28,7m, cao 0,5m so với mặt ruộng. Bao quanh khu vực lăng có bốn bên quây đá ong nâu trầm cổ kính. Tường đá ong cao 2,25m, những khối đá ong hình chữ nhật xếp chồng lên nhau được gắn kết bằng loại vữa truyền thống trong vật liệu gắn kết xây dựng các công trình kiến trúc cổ. Tường vây đá ong dầy khoảng 30-35 cm. Theo thứ tự từ ngoài vào trong, tổ hợp kiến trúc công trình gồm cổng lăng, xây hình mái vòm gồm một cổng chính đóng cánh cửa gỗ. Cổng lăng cao 4,5m, phần mái vòm cao 1,8m, rộng 1,3m chiều sâu 2,7m. Tường bờ mái phía trước phần trên mái vòm tạo hình chữ nhật xây đá ong trong đặt đại tự chữ Hán chạm trên đá xanh: "Nguyễn Công Từ" - đền Nguyễn Công (ông Nguyễn Hạnh Thông khi mất có tên thuỵ là Nguyễn Công Thực). Mặt mái phía sau cũng đặt biển đá xanh chạm chữ Hán: "Đô Đốc Phủ". Qua cổng lăng là đến phần sân và từ đường. Xưa từ đường có ba gian gỗ lim kiến trúc gỗ chạm khắc theo lối cổ truyền thống của thời hậu Lê, rất tiếc toà từ đường đã bị tháo dỡ làm công trình phúc lợi xã hội năm 1962. Hiện chỉ còn phần tường hồi, nền móng toà từ đường xây bằng đá ong chắc chắn, ở giữa từ đường còn một án thư đá, mỗi bên tường hồi có hai tượng quan võ, đứng hầu, tay cầm kiếm, đầu đội mũ tròn có vành nhỏ chóp nhọn… Hồi bên trái có một tấm bia đá hình tròn dựng năm 1771. Bia có nội dung ghi về số ruộng, tiền, ngày cúng giỗ, sự lệ của địa phương và năm xây dựng Từ vũ (lăng). Đây là tấm bia hình tròn, đẹp, độc đáo ít thấy ở tỉnh, thân bia hình tròn, chân bia và chán bia được chạm những gờ chỉ chạy bo quanh rất sắc sảo. Phía sau Từ đường là phần lăng mộ của ông Nguyễn Hạnh Thông, xây thành hình chữ nhật tạo mái vòm cao 3,2m, tường đá ong.
Có thể nói lăng Vân Cẩm là công trình kiến trúc lăng đá độc đáo, đẹp về quy mô kiến trúc tổng thể theo lối kiến trúc cổ truyền thống. Các hiện vật từ hương án, bia đá, con giống đến tượng người trong lăng được bố trí một cách cân đối, hài hoà dọc theo trục đối xứng từ ngoài vào trong. Cổng lăng và tường vây bốn mặt hoàn toàn bằng đá ong, tôn lên vẻ đẹp cổ kính và độc đáo cho di tích. Đứng từ làng Vân Cẩm, nhìn ra cánh đồng, lăng Vân Cẩm giống như một bảo tàng đá ngoài trời.
Lăng Vân Cẩm cùng với nhiều di tích lăng đá khác ở Hiệp Hoà như lăng họ Ngọ, lăng Dinh Hương, lăng họ Trần, lăng Nội Dinh… đã làm nên vẻ đẹp độc đáo, khẳng định bản sắc văn hoá truyền thống ở miền quê thuộc xứ Bắc Hà vốn nhiều lăng tẩm.
Nguồn : Báo Bắc Giang