Đối với nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam, trong hệ thống lễ nghi vòng đời người, lễ cưới là lễ hội quan trọng nhất. Nếu lễ cưới của người Kinh thường diễn ra vào mùa đông thì lễ cưới của các dân tộc thiểu số được chọn vào lúc thu hoạch xong mùa lúa rẫy. Mùa ấy cũng đồng thời diễn ra nhiều lễ hội khác như lễ mừng mùa, lễ chúc phúc, lễ tạ ơn thần linh... cho nên người ta gọi là mùa “ăn năm uống tháng”.
Lễ cưới tuy diễn ra trong khuôn khổ hai gia đình nhưng có sự đóng góp to lớn của cả cộng đồng. Lễ cưới các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị văn hoá truyền thống nổi bật, nhất là nghi lễ, tập tục hay, lạ, các hình thức sinh hoạt văn nghệ, vui chơi và đặc biệt là trang phục, trang sức của cô dâu trong lễ cưới.
Một tập tục khá phổ biến của nhiều tộc người miền núi là tục trùm chăn trong lễ cưới. Người ta chọn tấm thổ cẩm có nhiều hoa văn đẹp, mới dệt, trùm lên đầu cô dâu chú rể để chúc phúc, như lễ Pà Dùm của người Cơtu. Lễ trùm chăn là nghi thức thiêng liêng, đánh dấu sự bắt đầu cuộc sống lứa đôi. Đôi trai gái cùng uống ché rượu cưới, ăn miếng bánh lá, bôi huyết con vật hiến tế lên trán... như là lời thề hẹn thủy chung trước sự chứng kiến của thần linh và dân làng. Người M'nông trùm chăn để thử tài xử trí và sự nhanh nhạy của đôi trai gái. Khi tấm chăn vừa phủ lên đầu cô dâu chú rể, theo quan niệm của đồng bào ai là người nhanh tay dỡ tấm chăn ra trước thì người ấy có vai trò định đoạt cuộc sống gia đình, hạnh phúc sau này.
Ở các tỉnh miền núi phía Bắc, dân tộc Dao đỏ còn giữ nhiều tập tục đẹp trong lễ cưới, nhất là trang phục cho cô dâu. Lễ đưa dâu về nhà chồng thực sự là một cuộc “diễu hành” biểu dương cái đẹp nghệ thuật và trang phục. Nét độc đáo nhất là cô dâu - nhân vật chính của buổi lễ - trên đường về nhà chồng luôn giấu mặt trong tấm thổ cẩm lớn màu đỏ chói. Dẫn đầu đoàn đưa dâu là các nghệ nhân thổi kèn, đánh trống, bên cạnh là cô gái trẻ cầm vạt váy áo cô dâu dắt đi; phía sau có người che dù và đoàn người đi theo cổ vũ, đưa tiễn cô dâu trong không khí rộn ràng, vui nhộn. Về đến nhà chồng, làm lễ xong cô dâu mới được phép gỡ tấm vải che mặt ra để mọi người ngắm nhìn gương mặt hạnh phúc của cô trong ngày cưới, nên duyên vợ chồng.
Từ xa xưa, con trai, con gái Mông chỉ nghe theo tiếng gọi của trái tim, người Mông không lấy vợ lấy chồng theo kiểu “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”. Con gái Mông đã yêu thì mãnh liệt vô cùng, nếu thích ai thì bỏ nhà bỏ cửa đi theo, mà không thích thì trâu béo, bạc nén cũng chẳng cần. Tình yêu khiến họ vượt trăm sông ngàn suối để đến với nhau. Tình yêu thành lời hát, tiếng khèn tha thiết ở những phiên chợ tình tìm bạn, trên các sườn non vách núi. Các chàng trai dùng tiếng khèn điệu hát thay cho lời tỏ tình. Người Mông có hình thức “kéo vợ” (mà ta hay gọi là cướp vợ), không giống với bất kỳ dân tộc nào. Cho dù cô gái ưng thuận, nhưng khi chàng trai “bắt”, cô vẫn cố tình giằng co để chứng tỏ danh giá của mình. Cái lý của người Mông là “để mai này sống với nhau có điều gì khúc mắc, chàng trai không được nói là “cô tự theo tôi về...”; và cô gái cũng có cớ để dỗi rằng “do anh kéo tôi về đấy chứ!”.
Trang phục, trang sức lễ cưới cũng là nét đẹp nổi bật của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số. Hầu như dân tộc nào cũng có những bộ trang phục đẹp nhất và trang sức quý giá nhất để làm đẹp cho cô dâu trong ngày cưới. Nhìn vào váy áo, trang sức người ta cũng biết được ít nhiều về đời sống kinh tế gia đình và sự giỏi giang của chính cô dâu. Bởi vì một cô gái siêng năng, biết dệt thổ cẩm, thêu thùa hoa văn, luôn tay kéo bông... thì đương nhiên cũng phải biết tạo ra cho mình bộ trang phục truyền thống thật đẹp. Đó cũng là một tiêu chuẩn mà các chàng trai làng chọn vợ. Cô dâu không chỉ biết tạo ra váy áo đẹp cho mình mà còn làm nhiều sản phẩm khác như khăn piêu, chăn nệm bông lau, thắt lưng, tấm choàng, tấm địu con... để mang tặng bà con nhà chồng và làm tài sản ra riêng. Đối với các dân tộc Tây Bắc, đồ dẫn cưới không thể thiếu là các loại trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai có giá trị và được ưa thích. Còn đối với các dân tộc ở Trường Sơn - Tây Nguyên, vòng đồng và các loại trang sức bằng cườm mã não là hiện vật không thể thiếu trong nghi lễ hôn nhân. Trong lễ hội nói chung, trong lễ cưới nói riêng, trên cổ các cô gái luôn đeo đầy những xâu cườm mã não, biểu thị sự giàu có và sang trọng.
Lễ cưới các dân tộc thiểu số chứa đựng nhiều giá trị văn hóa truyền thống rất cần được nâng niu, gìn giữ. Và đáng mừng là thời gian qua, nhiều địa phương trong nước đã sưu tầm, nghiên cứu và ghi hình về lễ cưới, các lễ hội dân gian cổ truyền, góp phần bảo tồn, phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc của các dân tộc anh em trong cộng đồng dân tộc Việt.
Nguồn : báo Quảng Nam