Dân tộc Pa Dí có trên 2.000 người, với nhiều tên gọi khác nhau như: Pa Dí, Tày đen; người Nùng gọi người Pa Dí là "Phù Táng", "Phù Tay", "Tẳng", Tày đăm... Người Pa Dí sống tập trung ở các xã Tung Chung Phố, Lùng Vai (Mường Khương).
Trước đây, các chàng trai, cô gái Pa Dí thường xây dựng gia đình từ rất sớm do hai bên gia đình đã giao ước từ trước, đợi đến khi con cái đến tuổi trưởng thành, họ tổ chức lễ cưới chính thức. Đến lễ cưới chính thức, gia đình nhà trai nhờ một người làm mai mối cho đôi trai gái. Ông mối là người có vai trò rất quan trọng liên quan trực tiếp đến cuộc hôn nhân của đôi trai gái nên được gia đình lựa chọn rất kỹ về gia đình, con cái, đạo đức, uy tín… Đợi đến ngày đẹp, thường vào các ngày chẵn trong tháng, ông (hoặc bà) mối sang nhà cô gái để thăm dò ý kiến của nhà gái xem có ưng thuận không. Sau lần nói chuyện đầu tiên một khoảng thời gian, ông mối lại tiếp tục sang nhà cô gái để thưa chuyện, kết tình thông gia, đồng thời bàn kỹ hơn về các nghi thức đi đến lễ cưới chính thức như: định ngày ăn hỏi, lễ vật. Sau khi hai gia đình thỏa thuận xong, ông mối trở về thông báo kết quả và yêu cầu của nhà gái để nhà trai chuẩn bị.
Lễ ăn hỏi (kin lẩu nói) thường được tổ chức vào các ngày chẵn trong tháng hai và tháng sáu hàng năm, vì họ cho rằng, đây là những ngày đẹp, sau này đôi trai gái sẽ hạnh phúc. Ngày tổ chức lễ ăn hỏi, đoàn nhà trai gồm bố mẹ, hai ông mối, cùng anh em ruột trong gia đình mang theo lễ vật: gạo (khầu sán), rượu (lẩu), một chiếc bánh chưng, một đôi gà gồm cả trống mái, thịt lợn, một bó hương, một thếp giấy tiền xếp vào gùi và nhờ hai, ba người đã có gia đình mang sang nhà gái. Số người trong đoàn đi bao giờ cũng phải đi theo con số chẵn là 8 người, hoặc 10 người, họ kiêng đi số lẻ với ý nghĩa sẽ đem lại nhiều may mắn. Lễ vật nhà trai mang sang được gia đình đặt lên bàn thờ báo cáo tổ tiên, rồi mời tổ tiên về chứng giám việc mang lễ vật sang để nhận con gái gia đình về làm dâu (lục pấư), sau đó mọi người cùng ăn uống vui vẻ rồi đoàn nhà trai xin phép ra về.
Sau lễ ăn hỏi một thời gian, lễ cưới (ăn kin lẩu) chính thức được tổ chức, người Pa Dí thường tổ chức lễ cưới vào khoảng thời gian từ tháng 10, 11, 12 âm lịch, vì đây là khoảng thời gian nông nhàn. Gia đình sẽ nhờ một thầy cúng trong làng xem tuổi cho đôi trai gái dựa trên tờ "lục mệnh" mà nhà gái đưa cho để chọn ngày tốt tổ chức lễ cưới. Cưới là công việc hệ trọng của gia đình, nên ngày cưới, gia đình mời đông đủ anh em họ hàng, bà con đến dự để chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Ngoài chuẩn bị các lễ vật do nhà gái yêu cầu, nhà trai còn phải nhờ một phụ nữ phúc hậu, gia đình êm ấm, hạnh phúc, con cái đầy đủ đến giúp làm buồng cô dâu, chú rể với mong muốn nhờ vía của người đó mà cặp vợ chồng sẽ hạnh phúc, đầy đủ con cái. Ngày cưới, phái đoàn rước dâu nhà trai gồm hai ông mối, em gái hoặc em trai dắt ngựa, thợ kèn và anh em họ hàng mang theo lễ vật sang nhà gái. Riêng ngựa đón dâu được lựa chọn rất kỹ và trang trí cầu kỳ, tết nơ đỏ, trên treo một chiếc ô và một chiếc gương với ý nghĩa để bảo vệ hồn của cô dâu trên đường sang nhà chồng. Đến giờ hoàng đạo, gia đình thắp hương báo cáo với tổ tiên rồi đoàn xuất phát đến nhà gái. Ngày cưới, nhà trai thường mang theo các lễ vật gồm: gạo, rượu, thịt, quần áo, vòng bạc, khuyên tai... Lễ vật nhà trai mang sang được đặt lên bàn, sau đó nhà gái sắp một mâm cơm gồm 3 bát cơm, ba bát thịt, 3 chén rượu để báo cáo với tổ tiên. Sau khi làm lễ xong, gia đình bày mâm mời hai họ cùng ngồi vào bàn tiệc ăn uống vui vẻ, rồi đoàn nhà trai xin phép rước dâu về. Trước khi đoàn nhà trai rước dâu về, nhà gái chuẩn bị rượu, cơm đi đường cùng toàn bộ của hồi môn, quần áo, đồ đạc bố mẹ cho cô gái khi đi lấy chồng. Ngày cưới, cô dâu mặc bộ trang phục truyền thống lộng lẫy để về nhà chồng, trước khi bước ra khỏi cửa, chủ nhà cho bày một mâm cúng báo tổ tiên và mời những người cao tuổi tới ngồi ăn, cô dâu thắp 3 nén nhang vái lạy 3 lần (tương đương 9 lần lạy), các ông - bà nhắc nhở vài điều rồi cầm 3 que hương ra cửa chính thức xuất giá theo về nhà chồng.
Khi tới nhà, cô dâu cùng đoàn đưa phải đứng lại ngoài sân, chủ nhà đặt một chiếc mâm trước cửa, bên trên đặt 1 miếng thịt, 3 chén rượu, 3 đôi đũa, 3 nén nhang làm lễ để giải những điều xấu, không may mắn trước khi người bước vào nhà. Cô dâu cùng chú rể bước vào nhà, cả hai cùng quỳ trước bàn thờ tổ tiên, người nhà thắp hương trình báo tổ tiên, hai ông mối cùng đoàn đưa - đón dâu đứng cạnh đôi trẻ, một người đứng tuổi hiểu phong tục dân tộc đứng hô lạy 3 lần (vái 9 lần) trước sự chứng giám của đông đủ mọi người, hai trẻ chính thức thành vợ thành chồng rồi mọi người cùng ăn uống vui vẻ. Sau lễ cưới hai, ba ngày, đôi vợ chồng trẻ mang lễ vật gồm: một đôi nến đỏ, một bó hương, một đôi gà hoặc thịt lợn sang nhà gái để làm lễ lại mặt (ma gui mấn).
Ngày nay, trong phong tục cưới của người Pa Dí đã có sự biến đổi so với trước đây như thời gian được tổ chức ngắn hơn, một số thủ tục, nghi lễ được rút ngắn và ở một số gia đình không còn rước dâu bằng ngựa như trước đây, tuy nhiên họ vẫn giữ được các nghi thức truyền thống từ xa xưa, tạo nên nét đặc trưng so với các dân tộc khác quanh vùng.
Nguồn : Báo Lào Cai