Lễ hội đâm trâu xoay cột hay người dân thường gọi là Lễ xoay cột, Lễ đâm trâu, một hoạt động văn hóa giàu bản sắc của đồng bào dân tộc Ba Na ở tỉnh Phú Yên vừa diễn ra tại Làng Đồng thuộc xã vùng cao Phú Mỡ, huyện miền núi Đồng Xuân.
Đây cũng là hoạt động của đồng bào miền núi chào mừng 36 năm giải phóng tỉnh Phú Yên (1/4/1975-1/4/2011), 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển gắn với Năm du lịch Quốc gia duyên hải Nam Trung bộ 2011 do tỉnh Phú Yên đăng cai.
Lễ hội đâm trâu lần này được tổ chức để tạ ơn trời đất, tạ ơn thần linh, tạ ơn những người đã hy sinh tại Làng Đồng trong sự nghiệp bảo vệ buôn làng, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời cầu mong Giàng phù hộ cho gió thuận mưa hòa, lúa đầy bồ, sắn đầy rẫy; cầu mong cho người dân trong buôn ai ai được mạnh khỏe.
Người Ba Na ở Làng Đồng tổ chức Lễ đâm trâu xoay cột để trả ơn Giàng và cầu Giàng trời phù hộ. Do vậy, từng thành viên trong cộng đồng phải lo làm ăn, tích lũy và nhất là hai năm gần đây được mùa lúa rẫy, sắn được giá nên cùng nhau sắm sửa đủ lễ vật để tổ chức.
Trước khi tổ chức lễ khoảng một tuần, những người đàn ông khỏe mạnh ở Làng Đồng đã cùng nhau lên rừng tìm vật liệu như tre, mây, lồ ô… về làm cây nêu cao khoảng 3,5m mà bà con gọi là Kưng-Tăk; dùng mây bện dây A-Ngoa-Kbô để buộc vào cổ trâu.
Trước khi lễ hội bắt đầu, người Làng Đồng làm thịt một con lợn cúng báo cho Giàng biết đã có trâu, rồi họ giết tiếp một con lợn khác và nhắc 3 chóe rượu để cúng ông bà tổ tiên chứng nhận con trâu đó sẽ được tạ ơn Giàng…
Đúng ngày, bà con tụ tập tại Nhà rông văn hóa và tổ chức trồng 4 cây nêu ngay giữa trước mặt sân rộng khoảng vài trăm mét vuông, Cây nêu làm bằng tre và trên mỗi cây tre đó đều gắn một sợi dây dài được đan bằng tre theo kiểu xương cá. Tại những điểm cuối của mỗi sợi dây đó, người ta gắn các hình vật được sơn màu đen, đỏ từ nhựa cây như chim, chiếc thuyền, vòng tròn...
Khoảng 3 giờ chiều, con trâu được buộc dây “A-Ngoa-Kbô” vào cổ và người ta làm thịt con bò, nhắc vài chóe rượu để cùng Giàng rừng, Giàng đất, Giàng núi… chứng kiến con trâu về hầu Giàng trời; làm thịt một con lợn thiến để cúng mời Giàng ông bà, tổ tiên về dự lễ hội.
Những thầy cúng đứng thành hàng ngang, tay trái cầm một bát gạo đầy, tay phải bốc vãi lên trời cho gạo rớt xuống lưng trâu, xuống đầu những người dự lễ hội đang đứng xung quanh. Và đêm đó cả Làng Đồng như không ngủ; họ hầu như không biết mệt khi liên tục đánh cồng chiêng, múa xoan, vỗ trống đôi và đi vòng quanh con trâu và cây nêu.
Sáng hôm sau, bà con lại tổ chức cúng và các thầy cúng cũng làm động tác như tay trái cầm bát gạo, tay phải bốc gạo vãi lên trời, miệng kêu các Giàng về chứng kiến.
Trong lúc các thầy cúng thực hành nghi lễ, mọi người cũng múa hát xung quanh cây nêu và đến 9 giờ sáng lễ đâm trâu bắt đầu.
Khi đó, một già làng cầm một con dao dài, nhọn và rất sắc chém mạnh trên lưng trâu về phía hai đùi sau cho máu chảy ra. Các thầy cúng dùng vải, hoặc bông chùi máu rồi đem chấm lên trán của những những người tham gia lễ hội như báo rằng những điều may mắn của bà con được Giàng ban cho; cả những cháu nhỏ vài tháng tuổi mẹ gùi sau lưng cũng được hưởng “ân huệ” này.
Tiếp đến con trâu được những thanh niên khỏe mạnh cột dây vào 4 chân và dùng thế đè trâu ngã quỵ xuống đất; đồng thời làng chọn người có kinh nghiệm để đâm trâu.
Sau khi trâu chết, họ cắt đầu trâu gắn trên cột của cây nêu để sau đó hai thanh niên gánh đầu trâu đi 3 vòng xung quanh cột theo hướng ngược chiều kim đồng hồ. Còn các thầy cúng vẫn tiếp tục vãi gạo lên trời mời Giàng xuống nhận trâu, con trâu sẽ thay người làm rẫy, làm nương cho Giàng trời.
Lễ hội đâm trâu xoay cột không chỉ là hoạt động văn hóa ở Làng Đồng mà còn có ý nghĩa đối với đồng bào Ba Na các buôn lân cận. Cuộc vui càng vui hơn, khi trong ngày Lễ đâm trâu xoây cột của Làng Đồng còn có sự tham gia của hàng trăm người Ba Na từ các thôn lân cận ở Thồ Lồ, Xí Thoại, Hà Rai… đến dự./.
Nguồn : Vietnam+