“Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”- Điều đó đã thấm sâu vào tâm thức dân gian. Mấy năm gần đây khách hành hương của nhiều miền đất nước về Phủ Dầy càng đông vào dịp chợ Viềng (mồng 8 tháng Giêng) và nhất là ngày kỵ mẫu (thượng tuần tháng 3 âm lịch).
Vụ Bản một mảnh đất cổ lung linh huyền thoại; các nhà nghiên cứu địa phương đã phác ra “Thiên bản lục kỳ”- tức là 6 chuyện lạ có ở vùng đất này” chuyện đó còn chờ thời gian và cứ liệu để có thể minh chứng xác thực.
Khách hành hương về Vụ Bản không chỉ thắp hương để thỏa nguyện tâm linh trước điện thờ mẫu ở Vân Cát, Tiên Hương, Lăng Mẫu, vượt núi lên chùa Gôi, chùa Linh Sơn cúng Phật và men dọc đồi thông về đỉnh núi Tiên Hương và đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn. Một quần thể di tích phong phú và đa dạng có điện, đền với những bảo vật thờ tự quý giá trang nghiêm; lặng lẽ trước vẻ uy nghi của Ngũ môn lâu và nghe hát chầu văn, xem hầu bóng ở Nguyệt phong đình (Phủ Tiên Hương). Trong không khí trang nghiêm mọi người sẽ được làm lễ dâng hương trước Mẫu, xem rước thỉnh kinh, rước kiệu bát công long đình, kiệu võng; đi dọc cầu kiều mà các cụ bà vừa cầm phan, vừa niệm phật rì rầm. Những đôi rồng vàng, rồng xanh uốn lượn trên đường trong nền nhạc bát âm rộn rã, trôi nhấp nhô trên cánh đồng ngô, đồng đậu bát ngát xanh tươi mọi người sẽ xem múa rồng hội trên núi Tiên Hương ngắm rồng bay trên nền trời xanh thẳm. Đêm đến sẽ nghe các hội hát chầu văn, xem thả đèn trời. Những đốm lửa lung linh bay lên, bốc cao theo chiều gió làm cho bầu trời đêm hội rực sáng, lung linh, huyền ảo.
Những giá trị văn hóa truyền thống được bảo lưu qua nhiều thời kỳ làm cho hội Phủ Dầy thêm náo nức. Nhưng đặc biệt là “Hoa trượng hội” là một sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc ở Phủ Dầy. Những đoàn quân mang gậy có ngù đỏ, ngù xanh, áo vàng, quần đỏ, đầu đội khăc mỏ rìu, lưng thắt lụa đỏ đi trong tiếng trống chiêng rộn rã, theo lệnh tổng cờ vừa chạy vừa múa xếp thành chữ (nho) trên bãi rộng thể hiện sự cầu mong rất giản dị; phong đăng hòa cốc, thiên hạ thái bình.
Hoa trượng hội trong lễ hội Phủ Dầy
Chuyện hội có biết bao điều muốn nói mà khó nói hết, song ai cũng thuộc bài ca dao thuở trước:
Mùng một ăn tết ở nhà
Mùng hai chơi điếm mùng ba chơi đình
Mùng bốn chơi chợ Quả Linh
Mùng năm chợ Trình, mùng sáu non Côi
Qua ngày mùng bảy thì thôi
Bước sang mùng tám đi chơi chợ Viềng!
Đi chơi chợ Viềng, du xuân chợ Viềng là vẻ đẹp văn hóa thứ hai của vùng đất này. Tất nhiên ở Nam Định không chỉ có chợ Viềng Vụ Bản mà có tới 4 chợ Viềng khác nữa: Chợ Viềng Lạng (Nghĩa Thịnh- Nghĩa Hưng, họp ngày mùng 7 tháng giêng, chợ Viềng (Nam Trực- họp cùng ngày với chợ Viềng Vụ Bản) còn chợ Viềng Mỹ Phúc cũng họp ngày trên.
Giống với chợ Viềng Nam Trực xưa ngoài các thứ hàng cày, cuốc, dao, chõng tre, chạn bát, kiềng, cây giống còn bán rất nhiều đồ cổ, đồ dân dụng cũ của các gia đình. Còn những năm gần đây thì hàng của các nơi mang về bày bán phong phú hơn.
Mọi người du xuân chợ Viềng mua sắm vài thứ cầu may và lúc về không quân mang thứ quà quê: thịt bò thui rơm, da vàng, thớ thịt hồng đào săn mịn. Mấy bác nông phu đảo mua mấy thứ cần cho nhà nông, xong, rủ nhau vào quán cóc ven đường nhâm nhi một vài ly rượu với đĩa bò tái thơm ngon chấm nước mắm gừng, vui vẻ hỏi han nhau về làm ăn, về con, về vợ...
Đến với lễ hội vui vẻ, tìm đến chợ Viềng để mua bán cầu may là hai vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm thức dân gian từ bao đời rồi! Nhưng hình như trong ý thức dân chúng còn một nhu cầu thứ ba là vẻ đẹp độc đáo của một hệ thống kiến trúc cổ truyền mà muốn nói đến vẻ đẹp tâm linh: Nơi ấy có thờ Mẫu Liễu- có lẽ chính vì lẽ này chăng mà chợ Viềng Phủ Dầy thường đông vui tấp nập hơn các chợ khác. Tôi không dám lấy ý mình “sưởi ấm” cho điều mình nghĩ.
Trong tâm thức dân gian, tục thờ Mẫu có từ sớm. Đạo Tam Phủ thờ Tam tòa thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thỏa). Cho đến thời Lê (thế kỷ 17-18) sau khi mẫu Liễu hóa thân thì Đạo tứ phủ (Tứ phủ chầu bà) mới thực sự ổn định trong Việt điện. Trong các điện thờ có thể phối thờ, song Mẫu Liễu còn có những điện thờ riêng ở Phố Cát (Nghệ An); đền Sòng (Thành Hóa) và đặc biệt là ở nơi mẫu sinh ra: Tiên Hương- Vân Cát- Phủ Dầy có người viết về Thánh Mẫu:
Là tiên, là Phật, là người
Càng say thế sự càng vui nhân tình
Từ đó, Đạo Mẫu tứ phủ có thêm Thánh Mẫu từng ba lần hóa sinh, gắn bó với đời thường không xa lạ với dân gian để dân gian muôn đời có một Thánh Mẫu- người mẹ linh thiêng để hôm sớm đỏ đèn ngát hương trang nghiêm thờ phục.
Đi du xuân, đến thắp hương trước cõi linh thiêng tỏ đạo uống nước nhớ nguồn, đi du xuân, đi chợ cầu may để ăn nên làm ra, đi du xuân dạo xem phong cảnh hữu tình, đền đài độc đáo là nhu cầu không của riêng ai.
Nguồn : Báo Nam Định