Hằng năm, vào cuối tháng 8 âm lịch, người dân Khmer Nam Bộ nói chung, người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long và Cà Mau nói riêng đều tổ chức ngày hội Sene Dolta.
Lễ này cũng giống như lễ Vu Lan - báo hiếu của người Kinh, người Hoa và được tổ chức từ ngày 16 đến hết tháng 8 âm lịch.
Ngày xưa, mùa mưa đến, khi công việc đồng áng đã được gác lại chờ mùa vụ mới, bởi nước mưa và thủy triều lúc này dâng cao, không còn ra đồng được nữa, sau một năm làm lụng vất vả, những người con xa quê thường thu xếp về thăm ông bà, cha mẹ, bà con thân thuộc.
Nhưng vì giao thông cách trở nên việc về thăm quê như vậy cũng hết sức khó khăn nên một bộ phận cư dân Khmer đã phát kiến dần hình thành một ngày lễ tại gia đình để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ quá vãng ở quê xưa. Ngày lễ đó gọi là Sene Dolta (cúng ông bà). Ban đầu chỉ có một vài hộ ở cùng quê, sau dần lan tỏa ra khắp toàn bộ cư dân trong vùng thành một lễ hội có tính cộng đồng.
Ở nhà, trước khi đến ngày lễ, các hộ gia đình Khmer phải quét dọn trang hoàng nhà cửa, dán giấy hoa, bày cúng hoa, quả, nhang, đèn… tươm tất như một ngày Chol ChnamThmay (Tết cổ truyền). Độ khoảng giữa trưa, họ bày mâm cỗ lên bàn thờ cúng tổ tiên, khấn vái.
Sau đó, họ gắp thức ăn (mỗi thứ một ít) ra một cái chén/dĩa, đem ra đầu đất của gia đình, cạnh gian thờ Neaka để mời quỷ, thần và những người khuất mặt không được vào nhà, để dùng. Lễ Sene Dolta kết thúc tại đây, sau đó là phần hội. Bà con chòm xóm xúm xít bên nhau ăn cỗ, trò chuyện, thăm hỏi. Phần lễ hội này hiện nay vẫn được đồng bào dân tộc Khmer Cà Mau gìn giữ.
Khi Phật giáo xâm nhập vào đời sống của người Khmer thì lễ hội Sene Dolta không chỉ diễn ra trong ngày cuối tháng 8 âm lịch mà diễn ra trong suốt thời gian khoảng nửa tháng kể từ ngày 16/8 đến ngày Sene Dolta (trong mùa an cư kiết hạ). Mùa lễ hội này được bà con Khmer gọi là Phchum banh (gọi tắt là Phchum) nghĩa là cùng nhau tụ hội lại làm phước. Bản thân mùa Phchum banh không thể tách rời với ngày Sene Dolta nên có người, có nơi còn gọi mùa này là Phchum và Sene Dolta là ngày kết thúc mùa lễ hội đó.
Mùa này, con cháu khắp nơi đều trở về quê hương, trợ giúp ông bà, cha mẹ, người cao niên trong dòng họ nhiều thì tiền chục, tiền trăm; ít thì lon gạo, nải chuối để họ mang đến chùa thiết lễ Đat bai-banh (đặt cơm nắm). Mỗi gia đình cử một người lớn tuổi túc trực thường xuyên trong chùa suốt cả mùa lễ (16 ngày), con cháu trong nhà, trong dòng họ thay nhau mang thức ăn, cơm, gạo, vật dụng đến phục vụ. Đây chính là dịp để họ báo hiếu cha mẹ, ông bà sau một thời gian bôn ba khắp nơi tìm kế sinh nhai. Đó chính là mùa Vu Lan - báo hiếu của người Khmer Nam Bộ vậy!
Hiện nay, mùa lễ hội Phchum ở Cà Mau chỉ tập trung vào những ngày cuối, với ngày hội chính Sene Dolta, với tinh thần tiết kiệm.
Mùa lễ hội Phchum của đồng bào dân tộc Khmer kết thúc bằng lễ hội Sene Dolta, thể hiện lòng tri ân, báo hiếu của con cháu đối với các bậc tiền hiền. Lễ hội đó là một lễ hội văn hóa đặc biệt, cần được nghiên cứu, bảo tồn. Nó vừa mang màu sắc tín ngưỡng dân gian, vừa mang yếu tố tôn giáo, lại thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của cộng đồng các dân tộc Việt.
Bên cạnh đó, lễ hội này còn là dịp để các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng thắt chặt các mối quan hệ, sự đoàn kết chòm xóm, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau về các mặt trong đời sống./.
Nguồn : Báo Cà Mau