Trong chu kỳ một năm 12 tháng, người Lô Lô có rất nhiều lễ, trong đó có lễ mừng nhà mới không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của đồng bào.
Thiếu nữ Lô Lô |
Ở Hà Giang hiện có khoảng 1.500 người Lô Lô, phân bổ ở các xã Lũng Cú, Sủng Là, Lũng Táo, Má Lé và thị trấn Đồng Văn.
Khi chuẩn bị xong các vật liệu xây cất nhà, người Lô Lô thường chọn một nơi đất tốt và chọn hướng cho hợp tuổi người chủ định làm nhà. Họ phải quy chiếu các tiêu chí: tiền, hậu, tả, hữu, trước hết phải tìm tổ sơn, dò long mạch theo thế đất để tìm chỗ "tụ khí tàng phong" sau đó cho bảy hạt gạo chôn xuống đấy, ba ngày sau mở ra, thấy hạt gạo nở, không bị kiến gặm và di chuyển thì nơi đó có sinh khí và làm nhà tốt.
Khi dựng cột cũng như lợp mái, người Lô Lô đều xem ngày giờ và làm lễ cầu an để trong quá trình làm nhà tránh được những bất trắc xảy ra.
Dựng cột, lợp mái xong, cũng là ngày vào nhà mới. Chủ nhà đi mời cả làng, nhất là các cụ ông, cụ bà, những người thông thái về phong tục tập quán đến mừng nhà mới, góp vui và nhờ các cụ chúc mừng lời hay ý đẹp để xin phúc, lộc, thọ... Chờ cả làng đến đông đủ, thầy cúng tuyên bố ngôi nhà đã làm xong. Một người giúp việc đi cùng thầy để địu búa, bào, đục, dao, một gói cơm, một chai rượu, một gói thịt đến từng cây cột nhà gõ rồi khấn vái cho từng cây:
Ngày xưa ông cha ta
Dùng cây mua làm cột
Dùng lá mua che mái.
Cây này là cây gì
Cây này sẽ se phiu(1)
Se phiu thật là chắc
Cây này là se đăng (2)
Se đăng chẳng hề nứt
Cây này gọi se ngò(3)
Se ngò thọ trăm tuổi
Cây Tấy này ở đâu(4)
Làm xà nhờ cây Tấy
Cây Tri mọi đỉnh núi(5)
Lõi cây cứng hơn sừng
Cột này là cây ngà(6)
Gió bão không lay nổi.
Hỡi tất cả các cây
Về cùng ăn cùng uống
Cùng sống với ông chủ
Vững như đá như núi
Không sợ bão, sợ gió
Không sợ nắng, sợ mưa.
Gọi xong vía các cây, thầy cúng gọi chủ nhà đến để thầy giao nhà cho chủ và ca bài về sự tích ngôi nhà xưa:
Ngôi nhà xưa lâu rồi
Từ thuở có trời đất
Và có con người sinh ra
Cột nhà cắm cây mua
Mái nhà che lá mua
Cũng từ ngôi nhà đó
Cây cột to dần ra
Mái nhà rộng dần ra
Càng ngày cây càng tốt
Càng ngày mái càng rộng
Chín, mười đời sống đó
Gió bão không lay nổi
Ngôi nhà ở đâu to
Không to bằng nhà này
Ngôi nhà gọi là chắc
Gỗ cứng dồn về đây
Nhà ở chín vùng đất
Nhà ở mười phương trời
Không đâu bằng nhà đây
Chống trời có mái nhà
Đạp đất có chân cột
Nhà nào chắc bao nhiêu
Không bằng ngôi nhà này.
Lễ mừng nhà mới của người Lô Lô diễn ra đơn giản nhưng vui, đàn bà gói cơm nếp hay đấu gạo; còn đàn ông địu chum rượu đến để mừng gia chủ. Riêng ông cậu gia chủ có một mâm kèn, con lợn và một chum rượu. Rượu để uống, mâm kèn thổi cho vui, con lợn để nuôi đến lớn, nếu có việc phải mổ thật thì xin phép cậu và để phần cậu một đùi.
Cả làng ăn, uống rồi hát mừng gia chủ với những lời ca chân tình, chúc cho nhau sống hạnh phúc trong ngôi nhà mới và làm nghĩa vụ với xã hội, với đồng tộc:
Người già ngồi mâm trên
Người trẻ ngồi mâm dưới
Người trẻ uống trông lên
Người già ăn trông xuống
Hôm nay là ngày đẹp
Đêm nay là đêm tốt
Mới được ngồi ở đây
Mỗi đời vui một vẻ
Đời trước tiếp đời sau
Đều lo tới ngôi nhà.
Không dễ gì làm người
Không nhà người ta chê
Không cửa người ta cười
Đêm nay như giấc mơ
Nhà vàng hay nhà bạc
Sáng hết cả góc trời
Không thấy gió đi qua
Không nghe mưa rơi xuống
Chín đời, mười đời ở...
Đêm mừng nhà mới cũng có nhiều trò chơi như "phát sọi"(7), thổi kèn, vật tay và hát dân ca cả đêm...
Mừng nhà mới của người Lô Lô ở Hà Giang vẫn còn mang tính truyền thống của đồng tộc. Cả làng giúp sức để dựng nhà, giúp của để góp vui và động viên nhau bằng lời ca tiếng hát. Đó là biểu hiện của tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời là sợi dây liên kết ràng buộc của đồng tộc mang tính truyền thống bền vững. Đó là một tập quán tốt đẹp của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang.
Nguồn : Văn hóa các dân tộc