Đến huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai mùa này, du khách không chỉ ấn tượng với những sắc màu rực rỡ của váy áo các chị, các em người Hoa, H’Mông...; với tiếng ngựa hí, vó ngựa từng bước cờ lục cờ lục; heo cắp nách inh ỏi lẫn những tiếng búa đập đanh chát từ những bếp lửa đỏ rực than của cánh thợ rèn… mà còn thích thú khi thưởng thức những trái mận Tam hoa dày cùi, giòn, vị rôn rốt...
So với chợ phiên Sa Pa thì chợ phiên Bắc Hà mỗi sáng Chủ nhật hấp dẫn nhờ những nét mộc mạc của núi rừng như thế.
Đặc sản mận Tam Hoa
Bắc Hà cách thị xã Lào Cai 69 km. Mỗi ngày tại bến xe Lào Cai có ba chuyến vào lúc 6 giờ, 11 giờ và 13 giờ. Du khách cũng có thể đi tàu hỏa từ Hà Nội lên ga Phố Lu, bắt xe ôm hoặc xe khách khoảng 50 km thì tới Bắc Hà, hoặc nếu đi từ Sa Pa, thuê xe Minsk đi 80 km lên Bắc Hà mất khoảng 3 giờ.
Thành cổ Trung Đô, dinh Hoàng A Tưởng, khu du lịch cộng đồng xã Tà Chải, hang Tiên, núi Cô Tiên… và nhất là những rừng mận Tam hoa bắt đầu rộ chín từ đầu tháng Sáu là những điểm thú vị không nên bỏ qua khi ghé thăm Bắc Hà.
Những cây mận được trồng trên sườn đồi, mọc kín đồng bằng kẹp giữa những ngọn núi và cả trong vườn nhà rộng vài mẫu với cả ngàn gốc cây lâu năm.
Cánh trẻ thích đi du lịch “phượt” để tự trải nghiệm cảm giác khám phá một vùng đất nguyên sơ cả con người lẫn cảnh vật, tự tay hái những trái mận đỏ mọng lúc lỉu treo trên cành và đặc biệt lại được mời những chén rượu ngô cháy cổ nhưng thơm nồng khi ghé thăm nhà người dân bản xứ.
Ngoài những trái mận căng tròn ngập răng và xoa xuýt vì cùi thịt mọng nước, du khách còn có thể chọn thưởng thức thắng cố ngựa hay các món ăn dân dã địa phương, nhắm với loại rượu ngô đặc sản Bản Phố của đồng bào H’Mông.
Tối đến, du khách có thể ở homestay (ở nhà dân) với bốn điểm là Bản Phố, Tà Chải, Bảo Nhai, Na Hối. Giá dịch vụ của những nơi này cũng hết sức phải chăng, 50.000 đồng/đêm/khách, 80.000 đồng/bữa tối/khách.
Tổng chi phí cho một chuyến đi đậm chất tự do, phóng khoáng và ý nghĩa như vậy tốn khoảng 1,5-2 triệu đồng/3 ngày cho du khách khoác ba lô đi khám phá vùng cao nguyên trắng của sương và hoa mận...
Thương hiệu của Bắc Hà
Tạo hóa đã ban tặng cho “cao nguyên trắng” dưỡng chất đặc biệt để nuôi sống những gốc mận Tam hoa không đâu sánh bằng. Ý thức được điều này, lãnh đạo địa phương thời gian qua đã rất tích cực trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng cũng như thương hiệu cho mận Tam hoa Bắc Hà.
“Thông qua chương trình 30a về phát triển kinh tế, chúng tôi xây dựng các mô hình cải tạo, đốn tỉa lại các vườn mận, trồng mới những cây mận đã già cỗi để làm sao nâng cao được chất lượng quả mận. Bên cạnh đó, chúng tôi đã bắt đầu xây dựng thương hiệu bằng cách đăng ký thương hiệu cho mận Tam hoa của Bắc Hà,” Chủ tịch huyện Bắc Hà Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm: “Chúng tôi hiện cũng có chủ trương hỗ trợ bà con kỹ thuật khuyến nông, hướng dẫn biện pháp đốn tỉa, chỉ đạo bà con thay giống mới chất lượng hơn để đảm bảo vùng sản xuất cây ăn quả mận Tam hoa, vừa đảm bảo được thương hiệu vừa giúp bà con phát triển kinh tế xã hội.”
Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương mà Bắc Hà tuy vẫn còn là vùng đất hoang sơ nhưng đã và đang được đánh giá là mảnh đất có tiềm năng nhờ những sản vật, bản sắc độc đáo như Chợ Ngựa, mận Tam hoa.
Và, du khách khi trở về từ Bắc Hà thật khó có thể quên ấn tượng những chiều trên “cao nguyên trắng” vẳng nghe tiếng vó ngựa dồn và bóng các cô gái dân tộc thấp thoáng trong rừng mận giữa bảng lảng khói lam chiều...
Nguồn : Vietnam+