Cùng một bạn đồng nghiệp, hai chị em chúng tôi cưỡi xe máy vượt chặng đường khá dài, vòng vèo, trơn trợt từ thủ đô Hà Nội lên bản Suối Rèo (xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình).
|
Bộ tranh thờ được treo trên tường, nơi diễn ra các nghi thức cúng lễ trong tết Nhảy. |
Chúng tôi dùng xe máy, dù hôm đó trời có mưa bay là để có thể vào đến tận bản ở khá sâu, phần cũng vì cả hai đều rất ngán cái cảm giác quay cuồng, liêu xiêu khi bị say xe.
Một kiểu ăn tết rất lạ
Hôm ấy, bà con người Dao ở bản Suối Rèo tổ chức ăn tết Nhảy, một sự kiện mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh kéo dài trong ba ngày đêm nhưng chỉ diễn ra sau 12 đến 15 năm mới có một lần. Vì thế, không quá lời khi nói “phải may mắn lắm mới có dịp ăn một cái tết Nhảy với người Dao”. Tết Nhảy thường được tổ chức trong ba tuần cuối của tháng Chạp, trước tết Nguyên đán. Đó là dịp cả bản tập trung tại một nhà trong bản, cùng nhau ăn uống, nhảy múa.
|
Chủ nhà phải chuẩn bị trước, đầy đủ các vật dụng dùng trong lễ cúng như kiếm, dao… được làm bằng tre rất tỉ mỉ. |
Để có thể "đăng cai" cuộc vui, gia đình được lựa chọn phải có ít nhất số tiền 15 đến 20 triệu đồng. Đôi khi người ta phải chuẩn bị trước khoảng 5 năm để có thể mua sắm các vật dụng cũng như thực phẩm cần thiết phục vụ cho ngày tết. Nhưng chuyện tiền bạc cũng không phải là điều kiện chính. Theo người trong bản, ngoài khả năng tổ chức, gia đình nào có cuộc sống hòa thuận, gương mẫu và được cho là hạnh phúc trong bản mới được lựa chọn để tổ chức cái tết này. Và khi đã được lựa chọn, dù tốn kém, người trong gia đình đó cũng vô cùng hãnh diện và vui vẻ, dù rất tốn kém và mỏi mệt sau những ngày vui chơi thỏa thích.
Đầu tiên, thứ không thể thiếu, và cũng là quan trọng nhất trong ngày tết Nhảy chính là bộ tranh thờ 2 cuộn bao gồm 15 bức tranh. Bộ tranh dùng để treo trong những ngày Tết vẽ các tướng quân, vệ sỹ, Diêm vương phán xét… được mua từ Hà Đông (Hà Nội). Để có được bộ tranh thờ, không chỉ lặn lội đường xa, gia chủ còn phải bỏ ra số tiền từ 5 đến 10 triệu để sở hữu bộ tranh này. Tuy vậy, sau khi mang về, bộ tranh cần phải được làm lễ Khai quang mới chính thức được công nhận, sử dụng trong lễ nghi, thờ cúng. Sau lễ Khai quang là lễ Lập tĩnh tiếp đến là lễ Tạ mả và lập bàn thờ, bắt đầu cho những ngày tết đặc biệt.
|
Món xôi trắng và bánh dày làm đồ cúng. |
Bên cạnh việc mua về bộ tranh thờ, người Dao còn tự tay làm những dụng cụ gồm những thanh gỗ có họa tiết, hoa văn mang hình dáng con dao, thanh kiếm, cái mai, thuổng, lệnh bài... phục vụ các nghi lễ khác nhau. Đây đều là những vật dụng không thể thiếu được trong tết Nhảy. Nó tượng trưng cho những công cụ mà tổ tiên đã dùng để lao động, chống giặc…
Ngoài bộ tranh giữ vai trò tâm linh trong tết Nhảy, gia chủ cũng cần chuẩn bị 5 con lợn, gà thực phẩm làm cỗ để mời anh em họ hàng và cả làng gần xa đến ăn uống. Để có được 5 con lợn nặng đến mỗi con một tạ, gia đình ông Triệu Tiến Hoa - người tổ chức tết Nhảy cho biết, gia đình ông đã nuôi trong vòng 5 năm. Gạo nếp nấu xôi thì chuẩn bị từ hơn một năm trước.
|
Thịt lợn treo trong một góc bếp của gia đình già làng Triệu Tiến Hoa. |
Sau khi các thầy mo làm lễ xong, người trong nhà bắt đầu mổ lợn ăn mừng. Do đường trơn, trời mưa ngày càng nặng hạt, chúng tôi đến được nhà già làng cũng đã gần trưa; khi các nghi lễ lập bàn thờ và việc mổ lợn đã hoàn thành, người dân trong làng đã bắt đầu nhảy múa.
Rượu, thịt và nhảy múa
Chỉ khoảng nửa tiếng sau khi chúng tôi tới nơi, bữa tiệc đầu tiên trong 3 ngày tết đã được bày ra để thết đãi mọi người. Tôi hơi ngạc nhiên khi mâm cỗ dọn ra chỉ có rượu và thịt. Trong mỗi mâm, thịt lợn được xếp vòng tròn vun cao, bên dưới lót lá chuối, hai bên vành mâm có hai nhúm muối trắng, và một bát nước nước mắm hành đặt giữa hai nhúm muối. Hỏi ra mới biết, tất cả những thứ đó đều bắt buộc phải có trong mâm cỗ của người Dao nơi đây. Ngoài ra, món nước sít được coi là món ngon nhất. Đó là nước luộc thịt lợn và được thêm gia vị vào. Tuy nhiên, người Dao có cách pha chế riêng nên nước sít của họ rất ngọt và có vị thơm.
|
Thích nhất trong tết Nhảy có lẽ là lũ trẻ con, vì chúng được ăn thịt thoải mái và các loại bánh kẹo được già làng phát cho để lấy may mắn. Dù còn rất nhỏ, nhưng trẻ cùng cao đã biết tự nhóm lửa để chống rét. |
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì gọi là cỗ mà chỉ toàn mỗi thịt lợn, một người ngồi cùng mâm giải thích, rượu thịt là thứ dùng chính trong ba ngày tết. Ngoài ra còn có thêm xôi trắng (chỉ nấu từ nếp, không có đậu hoặc thứ gì khác) và bánh dày (giã theo cách thủ công từ xôi trắng). Tuy nhiên, do hai món xôi và bánh dày chủ yếu dùng để cúng nên trong mâm cỗ chỉ thấy có rượu và thịt thôi.
Trong ba ngày tết Nhảy, tiệc tùng không ngớt được dọn ra không biết bao nhiêu lần và cũng không hạn chế bao nhiêu mâm. Cứ có người ngồi là dọn mâm và cứ hễ nhảy múa mệt thì bày rượu thịt ra ăn uống, ăn uống no say lại vào nhảy. Và cứ thế, trong ba ngày tết Nhảy, không hiểu có phải vì men rượu chuếnh choáng hay vì sự nhiệt thành của mỗi người tham gia mà những điệu nhảy ngày càng đông và nhiệt tình dù trời về khuya càng lạnh hơn.
Nguồn : TBKTSG