Hằng năm vào khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 dương lịch, trên vạt đồi của các huyện miền núi Quảng Nam lại mộng vàng vì mùa lòn bon chín rộ. Những năm lòn bon được mùa, cả một không gian núi rừng bỗng nhộn nhịp hẳn lên...
|
Thiếu nữ Cơ Tu tươi vui khi gùi lòn bon về nhà |
Có lẽ hình ảnh trái lòn bon đã ăn sâu trong tiềm thức của đời sống con người Quảng Nam. Do vậy ngay trong mỗi người con Quảng Nam xa xứ cũng đều thuộc làu câu ca dao:
“Trái lòn bon trong tròn ngoài méo
Trái thầu đâu trong héo ngoài tươi
Thương em ít nói, ít cười
Ôm duyên mà đợi chín mười con trăng”.
Theo một số truyền thuyết để lại, trái lòn bon có nguồn gốc gắn với thời của các triều đại Nguyễn. Tương truyền, lúc công tử Nguyễn Phúc Ánh chạy theo chúa Nguyễn Phúc Thuần vào Quảng Nam, không may bị quân Tây Sơn phát hiện, phải trốn lên thượng nguồn Ô Gia. Nhiều ngày lẩn trốn, lương thực cạn, may thay giữa lúc đó gặp ở rừng có loại trái cây rất ngon ngọt, làm dịu cơn khát và đỡ đói.
Nhờ vậy Nguyễn Phúc Ánh thoát chết để chạy tiếp vào miền Nam thực hiện ý chí "tẩu quốc”, rồi "phục quốc”.
Sau này, khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Phúc Ánh ban cho loại trái cây rừng từng cứu ông và quân sĩ là Nam trân (trái quý ở phương Nam). Cũng từ truyền thuyết này, người ta còn cho rằng trên trái lòn bon còn in dấu móng tay của Nguyễn Phúc Ánh bấm vào lúc trái còn trên thân cây.
Lòn bon có tên khoa học là Baccaurea Sylvestric des Laurinées, là loại trái cây quý mà ngày xưa thường được dùng để tiến vua trong các dịp lễ. Theo cách gọi dân giã của nhiều vùng Quảng Nam, lòn bon có tên gọi khác là Nam trân, bòn bon, loòng boong hay tơ-boon (theo cách phát âm của người Cơ Tu). Cây lòn bon chỉ mọc nhiều ở một số địa bàn Quảng Nam, được xem như một loại đặc sản của xứ Quảng.
|
Nếu có dịp đến các vùng trung du và miền núi Quảng Nam như Đại Lộc, Quế Sơn, Nông Sơn, Đông Giang, Nam Giang... vào đúng dịp trái lòn bon chín, du khách sẽ được người dân nơi đây mời thưởng thức trái ngọt đặc sản của xứ Quảng.
Dịp mùa lòn bon, trên các điểm chợ, dọc đường đi đến các bản làng xuất hiện nhiều điểm bày bán cho du khách về làm quà gia đình, người thân với giá chỉ 10.000-15.000 đồng/kg.
Thời gian này, người dân xứ Quảng lại nhộn nhịp cho một mùa lòn bon đầu mùa bội thu.
Nguồn : Tuổi Trẻ