Danh thắng Côn Sơn – Kiếp Bạc là hai di tích gắn bó với nhau thuộc huyện Chí Linh (tỉnh Hải Dương).
Đường đến Côn Sơn – Kiếp Bạc khá đơn giản, bởi giao thông thuận tiện. Di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc gắn liền với các anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, các danh nhân Trần Nguyên Đán, Lê Thánh Tông…
Ngồi thiền
Địa linh nơi đây được tạo hoá ban cho đủ cả tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Là sự quần tụ hiếm có của đất trời và cảnh vật. Chả thế mà Nguyễn Trãi đã về đây dựng nhà làm thơ, lắng nghe chim hót, rồi lên đỉnh núi cao nhất chơi ở bàn cờ tiên.
Đến Côn Sơn nhiều nhất và thường xuyên nhất có lẽ chính là những người thích ngồi thiền, tập khí công. Do được tạo hoá ưu đãi cùng với sự tu luyện lâu đời của thiền phái Trúc Lâm, Côn Sơn được đánh giá là nơi rất thích hợp cho những người tập khí công tu luyện. Tứ linh tại Côn Sơn gồm đủ 4 đỉnh núi long, ly, quy, phượng. Nếu ngồi tại đồi trung tâm sẽ thấy đủ cả tứ linh quần tụ xung quanh. Người ta thường đến Côn Sơn ngồi thiền, tập khí công tại đồi trung tâm, hoặc lên Long Đình trên núi Ngũ Nhạc Linh Từ, hoặc luyện chân hỏa tại Thạch Bàn (phiến đá lớn ven suối rất đặc biệt). Mệt mỏi có thể ra giếng Ngọc múc nước uống.
Khi ngồi ở đồi trung tâm hoặc núi Ngũ Nhạc Linh Từ, người tập khí công ngồi kiết già hoặc bán già, nhắm mắt, thẳng lưng, miệng khép, lưỡi đặt hàm trên, đầu hơi ngửa. Để cho tinh thần thật thoải mái, hơi thở sâu, đều, chậm rồi từ từ cho “khí” thiêng từ những cơn gió, từ mặt trời đỏ, từ hồ nước Côn Sơn, từ cây cối, từ dưới địa cung xoáy vào cơ thể cho bản thể được hòa với vũ trụ. Hoặc để cho “tứ linh khí” đi vào cơ thể triệt tiêu bệnh tật, khí huyết, kinh mạch lưu thông. Tất cả cùng tĩnh tâm để đến khi mở mắt ra bỗng thấy sảng khoái trong cơ thể mà thấy yêu đời, yêu thiên nhiên, con người, cuộc sống.
Lễ hội Côn Sơn diễn ra vào tháng 8 âm lịch, là ngày kỵ Đức thánh Trần Hưng Đạo - tháng tám giỗ cha. Người dân các nơi lại tụ về dự lễ hội, dâng hương, leo núi vãn cảnh. Nhưng thời gian này cũng là lúc mùa nấm thông rộ sau những cơn mưa mùa hạ. Vốn dĩ, núi Côn Sơn nhiều thông, tán thông khép, lá thông rụng xuống phủ kín mặt đất khiến cho cỏ không thể mọc được. Lá thông khô gặp mưa rồi khi nắng lên là lúc nấm thông rộ tràn lan trên mặt đất.
Nấm thông màu vàng sẫm. Sau cơn mưa khoảng hai ngày, khi nắng lên, nấm thông bắt đầu mọc và đó là lúc hái nấm thú vị nhất. Gạt nhẹ đám lá thông trên mặt đất, những đám nấm lộ ra, cấu nhẹ gốc, chỉ hái phần cuống thân và mũ nấm. Chú ý tránh không để nấm bị giập dù và cuống nấm. Nấm thông hái về có thể chế biến ăn ngay hoặc phơi khô để dành. Nấm thông chỉ cao khoảng 3 – 5cm, dù mở nhỏ như đồng xu. Có thể hái nấm thông khi đã bung dù hoặc khi nấm mới nhú cao. Nên chọn nấm ở những nơi chỉ có lá thông mà không có bất cứ loài cây nào khác mọc chen. Điều này có thể giữ cho nấm khỏi bị nhiễm độc và giữ cho nấm thông không bị lẫn mùi.
Khi chế biến nấm thông, cần nhặt kỹ, bấm cho hết gốc dính đất hoặc mùn lá thông. Nhặt riêng cuống và dù nấm. Rửa sạch và vẩy cho ráo nước. Xào cuống nấm trước cho chín mềm rồi cho dù nấm vào đảo đều. Khi ăn thấy nấm mềm, giòn, cuống nấm không bị dai có vị thơm thoang thoảng của nhựa thông, nấm có màu vàng nhạt của ráng mỡ gà là được. Nhớ xin chai nước giếng Ngọc về nấu với nấm thông. Đến với Côn Sơn để tưởng nhớ về những anh hùng dân tộc, được nhắm mắt ngồi thiền cho linh khí đất trời nơi đây tụ vào đan điền cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái; được hưởng cái mát ngọt của nước giếng Ngọc và được thưởng thức nấm thông với mùi vị không một thứ nấm nào có được. Hãy một lần thưởng thức nấm thông Côn Sơn để không bao giờ quên được./
Nguồn : Báo LĐ